Nhà nghiên cứu ở Cyprus đã phát hiện ra một biến thể Covid-19 có các đặc điểm của cả Delta và Omicron, được gọi là "Deltacron". Deltacron có tỷ lệ lây nhiễm thấp và sớm biến mất. Biến chủng lai thứ hai từ Delta và Omicron xuất hiện nhưng sau đó cũng dần biến mất.
Tuy nhiên, biến chủng lai hoặc một phiên bản tương tự có thể trở lại vào mùa thu này. Các nhà khoa học phỏng đoán số ca nhiễm sẽ tăng kể từ tháng 10 năm nay đến tháng 1 năm sau.
Đây có thể là chủng virus có khả năng lây truyền và né tránh miễn dịch tốt nhất từ trước đến nay. Mô hình dịch bệnh sẽ đi theo hai hướng: Các biến chủng dễ dàng kiểm soát hơn hoặc sẽ trở nên nguy hiểm, khó đối phó.
Thực tế, virus tiến hóa theo mô hình hội tụ. Các biến chủng thu thập những tập hợp đột biến liên quan giống hệt nhau. Nói cách khác, những chủng virus giống nhau sẽ tạo ra các đột biến tương tự, chẳng hạn giúp trốn tránh miễn dịch hoặc khiến virus dễ lây lan hơn.
Chẳng hạn, làn sóng BA.5 chiếm ưu thế toàn cầu đang bắt đầu suy yếu ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên, biến chủng phụ (thế hệ thứ hai) đang chọn ra các đột biến có thể né tránh vaccine.
"Chúng tôi chưa từng thấy kiểu né tránh miễn dịch này trước đây", tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Minnesota và Chính sách (CIDRAP), cho biết.
Các chuyên gia chưa biết liệu siêu virus mới có khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn hay không. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng Omicron đã đạt tới giới hạn phát triển, tức là nó không thể tiến hóa và trở nên ưu việt hơn.
Nếu Omicron thực sự đạt đến giới hạn, một biến chủng hoàn toàn mới có thể xâm nhập, giống với cách mà Delta tràn vào Mỹ mùa hè năm 2021.
"Chúng ta đã không ghi nhận thêm biến chủng nào trong một khoảng thời gian khá dài. Có khả năng nó sẽ xuất hiện vào mùa đông năm nay, chỉ là chúng ta không đoán trước được", tiến sĩ Ray nói.
Dữ liệu của WHO cho thấy chỉ tại châu Âu, số ca nhiễm tăng đột biến kể từ ngày 26/9 đến ngày 2/10, tăng 8% so với tuần trước đó. Các chuyên gia y tế cảnh báo sự mệt mỏi với đại dịch và mất lòng tin với vaccine hiện có khiến nhiều người không còn sẵn lòng tiêm liều tăng cường.
Song, Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ra lời kêu gọi các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 6 triệu người, lây nhiễm cho hơn 606 triệu người trên toàn cầu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn