Anh Trần Thanh Hải (Quảng Bình, 45 tuổi) là người ham tập luyện thể thao và đến phòng tập gym mỗi ngày. Càng tập, anh càng thấy yêu cơ thể của mình và liên tục thay đổi các bài tập để hoàn thiện các khối cơ còn chưa như ý.
Tại phòng gym mới đây có bán một loại thuốc được quảng cáo là bổ sung testosterone, tăng cường cơ bắp. Bởi mong muốn cơ thể hoàn thiện hơn nữa, anh Hải đã mua và sử dụng theo tư vấn của nhân viên phòng tập.
Sau 6 tháng thường xuyên sử dụng thuốc bổ sung testosterone, cơ thể của anh "tăng cơ" rõ rệt hơn khiến anh càng "nghiện" dùng loại thuốc này. Song, gần đây, anh Hải có biểu hiện đi tiểu yếu, dòng nước tiểu không đều, phải rặn khi đi tiểu, sau khi ngưng tiểu thì nước tiểu vẫn nhỏ giọt kéo dài.
Cảm giác buồn tiểu xuất hiện nhiều hơn, kể cả vào ban đêm khi đi ngủ khiến anh thức giấc. Tình trạng này kéo dài khiến anh mất ngủ, mệt mỏi, cơ bắp giảm đi nhanh chóng.
Khi anh đến khám ở bệnh viện, bác sĩ cho biết anh bị phì đại tuyến tiền liệt do thừa testosterone. Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ còn phát hiện tinh hoàn 2 bên của anh Hải giảm kích thước so với bình thường.
Ảnh minh họa
ThS.BS Trịnh Kiên Cường, chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết, testosterone là hormone vô cùng quan trọng đối với gần như hầu hết các chức năng sinh lý của nam giới. rong quá trình sinh tinh trùng.
Ngoài ra, testosterone định hình các chức năng sinh lý, cũng như thúc đẩy sự phát triển các đặc điểm giới tính nam như: giọng nói trầm, duy trì mật độ xương, phát triển cơ bắp, kích thích sự phát triển của lông và râu, điều hòa chuyển hóa mỡ cơ thể, duy trì sự minh mẫn và tập trung.
Do đặc điểm của testosterone là thúc đẩy sự phát triển cơ bắp và tối ưu chuyển hóa chất béo trong cơ thể nên thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nam giới sử dụng nội tiết chứa testosterone hoặc steroid đồng hóa với mong muốn cải thiện vóc dáng và sức mạnh cơ bắp.
Tuy nhiên, sử dụng testosterone từ bên ngoài có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng ở nam giới.
Lý do là khi nam giới sử dụng testosterone từ bên ngoài, cơ thể sẽ ghi nhận rằng không cần sản xuất testosterone tự nhiên nữa. Từ đó gây giảm hoặc ngừng sản xuất testosterone tự nhiên trong tinh hoàn.
Việc testosterone tự nhiên bị suy giảm sẽ dẫn đến suy giảm chức năng tinh hoàn, gây teo tinh hoàn, giảm chất lượng và số lượng tinh trùng. Thậm chí có thể dẫn đến vô sinh nam do không còn tinh trùng.
Mặc dù testosterone từ ngoài vào có thể tăng cường cơ bắp trong thời gian ngắn, tuy nhiên việc sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc của cơ bắp vào testosterone ngoại sinh. Khi ngừng sử dụng, cơ bắp có thể giảm đi nhanh chóng về khối lượng và mật độ. Như vậy thì mục đích sử dụng ban đầu cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.
"Testosterone chỉ an toàn khi được chỉ định và kiểm soát chặt chẽ về liều lượng bởi bác sĩ trong các trường hợp nam giới mắc các bệnh lý gây thiếu hụt testosterone. Nam giới nên tránh sử dụng testosterone ngoại sinh mà không có chỉ định y khoa", bác sĩ Trịnh Kiên Cường cho hay.
Bác sĩ Trịnh Kiên Cường (trái) tư vấn cho người bệnh
Vì testosterone chi phối hầu hết các chức năng sinh lý ở nam giới nên khi testosterone nội sinh suy giảm có thể gây nên tình trạng loãng xương, hói đầu, các rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, rối loạn lo âu, trầm cảm.
Theo bác sĩ Cường, nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nam giới không nên tự ý sử dụng testosterone, đặc biệt là ở tuổi sinh sản và chưa có đủ con.
Bác sĩ Cường cũng nhấn mạnh rằng: Liệu pháp testosterone có thể giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến việc thiếu hụt testosterone do bệnh lý nhưng nó không phải là phương pháp kỳ diệu giúp nam giới trẻ lại hoặc nâng cao sức khỏe.
Nếu nam giới tự ý bổ sung testosterone khi không có chỉ định y khoa và thiếu sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ thì nguy cơ có thể phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi đến sức khỏe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn