Nguy hiểm khi niềm vui, nỗi buồn của teen phụ thuộc vào mạng xã hội

10:28 | 12/10/2017;
Trước các vụ bạo lực học đường diễn ra liên tiếp gần đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, giáo dục con người đang bị coi nhẹ và quá nguy hiểm khi mọi niềm vui, nỗi buồn của teen phụ thuộc vào mạng xã hội.
Ngày càng nhiều vụ bạo lực học đường với các hành động như côn đồ

Nhìn clip nữ sinh lớp 7 bị đánh bởi chính những người bạn nữ cùng lớp với hành động rất dã man như túm tóc bạn dập xuống sàn nhà, đạp vào đầu, cưỡi lên cổ, tát lấy tát để… đang được lan truyền trên mạng khiến võ sư Đoàn Bảo Châu thấy lòng quặn đau.

“Phần quan trọng nhất trong việc trồng người là nhân cách, là tâm hồn, là lòng nhân ái. Những điều ấy vào tâm hồn chúng như không khí, sẽ thấm vào một cách tự nhiên qua quan sát, vào những câu chuyện bố mẹ nói vào bữa cơm tối, vào việc thầy cô giáo ứng xử với nhau, với học sinh, với phụ huynh, vào những lời bình, cảm xúc của thầy cô giáo trước những vấn đề xã hội”, võ sư Châu phân tích. 

Ông cũng cho rằng: “Nhà trường có môn giáo dục công dân, đạo đức, nhưng cách dạy máy móc, giáo điều sẽ không có tác dụng với con trẻ. Nhân cách, lối sống, lòng nhân ái không phải là một chương trình máy tính, cứ cấy, cứ cài vào là con trẻ sẽ sống đúng như vậy. Trẻ nhỏ không chỉ học những gì chúng được dạy trong sách vở mà chúng học mọi lúc, mọi nơi. Một ánh mắt ác độc, một lời nói cay nghiệt sẽ vào tâm hồn chúng hết. Rất nhiều chuyện chướng tai chúng đã chứng kiến như việc cô giáo ngồi trên xe ô tô đâm gãy chân học sinh rồi quay ngoắt đi trước tiếng kêu la đau đớn của học sinh và sau đó cô chỉ tập trung tâm trí vào việc bưng bít thông tin để giấu đi điều xấu xí. Trẻ sẽ học ngay ở người lớn thói vô cảm ấy…”.

Nhiều đứa trẻ chỉ biết tìm niềm vui trên mạng xã hội. Clip càng được share nhiều chúng càng thích thú. Ảnh minh họa

Giải mã hiện tượng giới trẻ ngày nay manh động, TS. Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cho rằng, cuộc sống của các em đang rất nhiều vấn đề. Áp lực học hành khiến các em quay cuồng trong việc học, với thời gian biểu kín đặc những buổi học thêm, học chính, học gia sư, không có một chút thời gian nào cho việc vui chơi… thì năng lượng được cung cấp đầy đủ, thậm chí thừa mứa, bọn trẻ không biết xả đi đâu.

Những đứa trẻ ngày nay cũng không có nhiều niềm vui, không có câu lạc bộ, không chơi thể thao, không tham gia bất kì hoạt động nào khác ngoài trường học nên niềm vui của chúng chỉ có ở trên mạng. Mọi niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng.... đều tập trung ở đó.

“Vài cái like cũng khiến chúng lo âu, vài lời bình luận không hay có thể khiến chúng nổi khùng. Mạng xã hội còn là thứ vũ khí lợi hại để bọn trẻ hại những người chúng ghét như chụp ảnh kẻ mình ghét đang hớ hênh, chế ảnh rồi tung lên để mọi người cười, chế giếu cho chúng nó nhục… Càng có clip, dân mạng càng chia sẻ nhiều thì bọn trẻ càng bị kích động, càng thích choảng nhau, thích up facebook những clip dằn mặt. Điều này sẽ gây nhiều tổn thương, thậm chí có nhiều cháu phải chết tức tưởi nếu chúng ta không làm cách nào thay đổi cuộc sống bọn trẻ”, TS. Vũ Thu Hương xót xa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn