Nguy kịch vì hội chứng 'trái tim tan vỡ' do sốc tâm lý

17:00 | 23/09/2016;
Luôn ủ rũ, mệt mỏi, stress, mất ngủ, suy nhược thần kinh, phải sử dụng thuốc ngủ mới có thể chợp mắt... chị P. (45 tuổi), ngụ tại An Giang, được người nhà đưa đến BV trong tình trạng nguy kịch và được chẩn đoán mắc hội chứng 'trái tim tan vỡ'.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy (TPHCM), chị P. nhập viện lúc 1h25 phút ngày 15/9 trong tình trạng hôn mê do uống thuốc quá liều. Trước đó, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ nên liên tục sử dụng thuốc ngủ và thuốc an thần.

Gia đình chị P. cho biết, chị thường xuyên ủ rũ, mệt mỏi, hay suy nghĩ, dẫn đến bị stress kéo dài. Ngoài ra, chị còn liên tục mất ngủ, dẫn đến suy nhược thần kinh, phải sử dụng khá nhiều thuốc ngủ mới có thể chợp mắt. Thấy chị như vậy, người nhà lo lắng nên đã đưa chị đến nhiều BV để điều trị. Tuy nhiên, gia đình chị thường xuyên có chuyện buồn, chị lại hay nghĩ ngợi nên ngoài bị stress, chị P. còn gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý.

Đêm 13/9, chị P. ngủ rất sâu, đầu giường có vỉ thuốc ngủ, trong đó mất 7 viên. Gia đình gọi mãi chị không tỉnh nên lập tức đưa chị đến BV Đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu. Tại đây, chị P. được chuẩn đoán bị hôn mê sâu do uống thuốc ngủ quá liều, suy hô hấp, mất tri giác, phải thở máy. Đến ngày 15/9, chị P. được chuyển đến BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
3-1474533794871-6-0-343-660-crop-1474538839861.jpg
Chị P. đã qua cơn nguy kịch do hội chứng 'trái tim tan vỡ'
Ban đầu, chị P. được theo dõi điều trị tại khoa Chống độc nhiệt đới của BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, tối ngày 16/9, bệnh nhân đột ngột hạ huyết áp nhanh, nhịp tim nhanh, phổi có tình trạng trào bọt hồng qua ống nội khí quản. Các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa khẩn cấp, chẩn đoán bệnh cảnh nhồi máu cơ tim do có choáng tim, phù phổi cấp. Bệnh nhân phải dùng hai loại thuốc vận mạch liều cao, thở máy, đồng thời được bác sĩ can thiệp mạch vành để cứu sống.

"Với những biểu hiện ban đầu khi bệnh nhân đến khoa, chúng tôi nhận định chị P. bị nhồi máu cơ tim, có nguy cơ tử vong cao. Nhưng để có những phán đoán chính xác, chúng tôi tiến hành ngay siêu âm tim thì phát hiện bệnh nhân bị hội chứng 'trái tim tan vỡ'. Ở BV Chợ Rẫy chưa từng gặp bệnh nhân bị hội chứng này nặng đến như vậy", bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết.

Các bác sĩ quyết định tiến hành chạy ECMO (tuần hoàn máu ngoài cơ thể) ngay trong đêm, giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhân lúc này. "Bệnh cảnh 'trái tim tan vỡ' nếu dùng thuốc vận mạch vô tình có thể làm tình trạng ở cơ tim tiếp tục nặng nề hơn. Khi chạy ECMO, máy thay thế để cho trái tim nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến lúc hồi phục", bác sĩ Linh phân tích.

Sau 4 ngày chạy hệ thống, tình trạng bệnh nhân ổn định, hiện đã tỉnh táo, huyết động ổn định. Hội chứng này diễn tiến cấp tính nhưng may mắn là cơ hội hồi phục cao, nếu được điều trị kịp thời thì tim có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, theo bác sĩ Linh, sau này nếu không tránh được stress hoặc gặp biến cố khác thì chị P. có khả năng tái phát khoảng 10%. 

Cũng theo bác sĩ Linh, bệnh cảnh này được phát hiện năm 1990 tại Nhật Bản. Nếu mắc hội chứng, chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân chỉ còn 1/5 so với bình thường. Khoảng 90% bệnh nhân là nữ, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và chị em nữ có có yếu tố tress lớn, có tiền căn trầm cảm, hay gặp cú sốc từ mất người thân, chia tay… Khi đó, những hormone căng thẳng phóng thích nhiều làm tim hoạt động quá mức, gây phì đại vùng thất trái, tim suy giảm chức năng nhanh chóng, có thể gây tử vong. "Đối với bệnh lý 'trái tim tan vỡ', có đến 65% là do yếu tố tâm lý. Vui quá mức hoặc buồn quá mức cũng dẫn đến khả năng bị bệnh lý này", bác sĩ Linh nói.

Theo bác sĩ Linh, cách phòng ngừa bệnh là nói không với thuốc là rượu bia, để có một trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, khi gặp phải những cú sốc thì cần giữ tâm lý vững vàng, tìm các biện pháp thư giãn và chủ động tìm đến chuyên gia, bác sĩ tâm lý để giải tỏa phần nào và hạn chế lạm dụng thuốc ngủ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn