Nguy kịch vì tự chữa bệnh

13:04 | 25/11/2015;
Bị bỏng, nhọt, thay vì đến cơ sở y tế điều trị nhiều người đã tự đắp lá cây dẫn tới hoại tử, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.
Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TPHCM, vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân C.T.M., ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị nhiễm trùng 2 chân và 2 tay. Bệnh nhân này bị bỏng lửa tứ chi nhưng không đến bệnh viện điều trị mà chữa bỏng bằng đắp lá cây của 1 thầy lang ở tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đắp khoảng 1 tuần, vết bỏng không thuyên giảm mà có dấu hiệu bị nhiễm trùng và ngày càng nặng hơn, khiến bệnh nhân không đi lại được nên người nhà đã đưa đến BV điều trị.

Điều trị cho bệnh nhi nguy kịch do đắp lá cây vào vết rắn độc cắn

Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, các bác sĩ BV Nhi TƯ tiếp nhận cháu V.Q.V. (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) trong tình trạng nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn và hoại tử da do bố mẹ tự ý đắp lá chữa mụn cho bé. Cụ thể, thấy con bị sốt kèm theo mọc mụn nhọt ở vùng mông trái, mẹ cháu V. đã dùng kim chọc vào mụn cho vỡ, rồi lấy cây dọc mùng cùng một số loại lá giã ra đắp cho con. Sau đó, nhọt của V. ngày càng sưng to, sốt cao, li bì, gia đình mới đưa con đến BV tỉnh, rồi chuyển xuống BV Nhi TƯ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán V. bị nhiễm khuẩn huyết nên chỉ định dùng kháng sinh, truyền dịch, truyền máu và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông do áp-xe. Dù được điều trị nhưng da vùng mông và đùi trái của bệnh nhi tiếp tục hoại tử nên các bác sĩ chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử, sau đó tiến hành ghép da cho bệnh nhân.

Ngoài đắp lá cây chữa bỏng, mụn, không ít người còn trị rắn cắn theo cách làm này. Cuối tháng 7 vừa qua, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.T.V. (9 tuổi, ở Tiền Giang), bị nhiễm độc rất nặng do đắp thuốc của thầy lang sau khi bị rắn độc cắn. Chỉ đến khi sức khỏe bệnh nhân ngày càng xấu, vết thương chảy máu, xuất huyết trên da, lơ mơ, da xanh tái, người nhà mới chuyển bé đến BV.

Không nên đắp lá lên vết thương

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Hoàng Hải Đức, khoa Chỉnh hình Nhi, BV Nhi TƯ, cho biết, trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận 1-2 trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương; nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết, hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.

Thực tế, thói quen chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “thầy lang” rất nguy hiểm. Bởi việc chữa bệnh bằng đắp lá theo đồn thổi có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm mủ màng tim, phổi... thậm chí tử vong.

Các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra, khi đang sưng tấy, cần được điều trị bằng kháng sinh phù hợp; mọi người không nên chích, nặn mụn non vì sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng. Từ ổ nhiễm trùng này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường máu, gây nhiễm khuẩn huyết, rất nguy hiểm. Đặc biệt là không tự ý đắp lá các loại cây lên vết thương của trẻ, vì vết thương dễ nhiễm trùng, hoại tử.

Bỏng là tai nạn thường gặp trong cuộc sống. Khi bị bỏng, mọi người cần đến BV để được điều trị; không nên đắp, bó lá cây, thoa kem đánh răng, thoa nước mắm vào vết phỏng. Bởi cách điều trị không khoa học này sẽ làm vết thương bị nhiễm trùng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngoài ra, trước khi chăm sóc tổn thương mụn nhọt, vết thương hở như bỏng... cần vệ sinh sạch sẽ bàn tay để phòng ngừa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua tổn thương vào máu gây nhiễm trùng huyết. Còn khi bị rắn độc cắn, không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc, bởi việc rạch hút sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; tuyệt đối tránh đắp lá mà cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị hợp lý.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn