Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú

20:34 | 05/02/2023;
Đến thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo; các cô, các dì là thành viên Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM; lãnh đạo, cán bộ Ban Công tác phía Nam và các đơn vị thuộc Hội LHPN Việt Nam.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú sinh năm 1923, là một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung. Cuộc đời bà gắn liền với 2 cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Những ngày cuối năm 1966 và đầu năm 1967, trong một trận càn của Mỹ, bà bị mất tích. Người thân, đồng đội tìm khắp các nhà tù tại miền Nam nhưng tin tức về bà vẫn bặt vô âm tín. Hơn 30 năm sau, qua các thông tin thu thập được, gia đình mới tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú trong khu rừng cao su tại Bình Dương.

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú  - Ảnh 1.

Chân dung nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú. Ảnh do gia đình cung cấp

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tú có 7 người con (3 trai, 4 gái). Ba người con gái: bà Trần Tố Nga (hiện sống tại Pháp) cùng 2 người em là bà Trần Tuyết Nga và bà Trần Quế Nga (hiện sống tại TPHCM) đều là những nữ chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, bà Trần Tố Nga và bà Trần Quế Nga từng bị địch bắt, tù đày qua các nhà tù của Mỹ.

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, liệt sĩ Nguyễn Thị Tú đã tham gia nhiều hoạt động và từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để ghi nhận công lao của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, tại TPHCM, tên của bà được đặt cho một con đường thuộc quận Bình Tân.

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú  - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (bìa trái), Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (áo xanh, đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tú và các cô, các dì thành viên Ban liên lạc cựu tù chính trị, tù binh TPHCM ngày 5/2/2023, nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão.

Do không xác định được ngày mất chính thức của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, vì vậy hằng năm, gia đình lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến người mẹ, người bà và cũng là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Thị Tú.

Năm 2003, bà Trần Quế Nga xây dựng ngôi trường mầm non trên đất của gia đình và quyết định lấy tên mẹ mình - liệt sĩ Nguyễn Thị Tú đặt tên cho ngôi trường. Chia sẻ với Báo PNVN, bà Trần Quế Nga cho biết: "Lấy tên mẹ đặt tên cho ngôi trường là để tưởng niệm về mẹ. Nhưng hoạt động được một thời gian, tôi bắt đầu thấy sợ. Bởi nếu mình làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi của mẹ, sẽ có tội với mẹ mình...".

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú  - Ảnh 3.

Trường mầm non mang tên liệt sĩ Nguyễn Thị Tú tại số 65 Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú, TPHCM.

Trường mầm non Nguyễn Thị Tú có địa chỉ tại số 65 đường Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú, TPHCM. Về cơ sở vật chất, trường có 7 phòng học, 1 phòng chiếu phim, 1 phòng chơi Lego, 1 phòng hành chính quản trị, 1 phòng bếp ăn một chiều, 1 phòng nghỉ nhân viên, 1 phòng y tế và hệ thống sảnh thể dục. Nơi đây được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ như: hệ thống báo cháy tự động, hệ thống máy lạnh, phun sương, máy phát điện, trang bị 100% camera các lớp hoạt động 24/24...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn