Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan: “Xem phim, tôi thiệt thòi hơn những khán giả bình thường”

22:17 | 08/11/2023;
Theo TS Ngô Phương Lan, việc xem phim với con mắt “nhà nghề” sẽ khiến một nhà phê bình điện ảnh thiệt thòi hơn khán giả bình thường, bởi nhiều khi phần lý trí sẽ mạnh hơn cảm xúc.

Chiều 8/11, tại Hà Nội, TS Ngô Phương Lan đã ra mắt tập sách tiểu luận phê bình điện ảnh Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt Books). Đây cũng là sự kiện đánh dấu tuổi 60 của nhà phê bình điện ảnh nguyên là Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam.

Cuốn sách được chia thành 2 phần. Phần 1 có thể xem là phần phê bình. Bên cạnh chương đầu khái quát về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn là những bài phê bình một số bộ phim chọn lọc, ít nhiều ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới như Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng, Vị đắng tình yêu, Mùa len trâu, Thời xa vắng… Trong đó, kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được tác giả phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng lại diễn đạt với ngôn ngữ giản dị mà mực thước.

Cuốn sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập"

Cuốn sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập"

Phần 2 là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, TS Ngô Phương Lan phác thảo "sơ đồ" các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam và đặc biệt là những trăn trở của tác giả với câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.

Tại buổi ra mắt sách, trước câu hỏi "Khi xem một bộ phim, với vai trò là một nhà phê bình điện ảnh, liệu cảm quan của bà về bộ phim có mất đi chất thơ?", nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận: "Tôi xem phim sẽ thiệt hơn những khán giả bình thường, vì đôi khi phần lý trí mạnh hơn".

TS Ngô Phương Lan kể, khi sang Liên Xô (cũ) theo học phê bình điện ảnh, hàng tuần thầy giáo đều yêu cầu bà phải xem phim và nộp bài phê bình. Đó là cách mà thầy giáo rèn học trò, buộc học trò khi xem phim phải phát hiện ra một điều gì đó để có thể viết được thành bài. "Việc thầy rèn như vậy rất tốt cho nghề, nhưng lại là một thiệt thòi với vai trò khán giả. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng giữ được cảm xúc khi xem phim. Tôi cho rằng nếu giữ được cảm xúc thì bài phê bình của mình mới hay", bà chia sẻ.

TS Ngô Phương Lan chia sẻ trong buổi ra mắt sách

TS Ngô Phương Lan chia sẻ trong buổi ra mắt sách

Nhận xét về cuốn sách, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - cho rằng: "Tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy ở Ngô Phương Lan một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh Việt Nam vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới".  

Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, nhận định: "Nhiều bài viết có thể coi là những công trình nghiên cứu giá trị được chắt lọc, có quy mô và tính chất khác nhau, được tác giả đúc kết trong hơn 3 thập kỷ lao động, gắn bó và cống hiến cho ngành điện ảnh nước nhà, thể hiện tình yêu chung thủy của tác giả với ngành điện ảnh, nơi đã gắn bó từ thời hoa niên đến tận bây giờ, dù ở bất cứ vị trí nào".

TS Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp khoa Lý luận, Phê bình điện ảnh (Điện ảnh học) - ĐH Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Bà từng là Cục trưởng Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (từ năm 2011 đến 2018), Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 - 2018). Hiện bà là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên BCH Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC). 

Bà được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017. Tại CineAsia năm 2022, bà nhận giải thưởng "Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn