Phim “Tro Tàn Rực Rỡ” được chuyển thể từ 2 truyện ngắn “Củi Mục Trôi Về” và “Tro Tàn Rực Rỡ”, của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim lấy bối cảnh xóm nghèo miền sông nước Thơm Rơm, kể về câu chuyện tình khắc khoải của 3 người phụ nữ dành cho những người đàn ông họ chọn gắn bó cả cuộc đời. Phim sẽ ra rạp từ ngày 2/12 tới.
Nguyễn Ngọc Tư là nữ nhà văn của Hội nhà văn Việt Nam với nhiều cống hiến cho văn học nước nhà. Cô từng giành nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong lĩnh vực như: Giải Nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, hạng mục Nhà văn xuất sắc; Giải B Hội nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2006; Giải thưởng văn học ASEAN; Giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn; đồng thời cũng từng lọt vào danh sách Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam 2018 do tạp chí Forbes bình chọn.
Năm 2010, “Cánh Đồng Bất Tận” - tập truyện ngắn giành hàng loạt giải thưởng của Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn, với sự tham gia của Dustin Nguyễn, Ninh Dương Lan Ngọc, Tăng Thanh Hà - gây tiếng vang lớn. Phim xuất sắc mang về 3 giải Cánh Diều Vàng và 1 giải Cánh Diều Bạc. Nối tiếp thành công đó, “Củi Mục Trôi Về” và “Tro Tàn Rực Rỡ” là hai tác phẩm tiếp theo của nữ nhà văn được đưa lên màn ảnh rộng.
Hỗ trợ đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong khâu kịch bản, Nguyễn Ngọc Tư đóng vai trò quan trọng trong việc biên tập lại thoại sao cho thể hiện được sự tự nhiên của con người vùng đất đặc biệt này. Đặc biệt, cô cũng là một trong những tác giả nguyên tác hiếm hoi, vô cùng tâm huyết, tham gia với đoàn.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dành 7 năm để xây dựng bộ phim
Nhà làm phim Bùi Thạc Chuyên đã mất hai năm chuyển thể chỉn chu kịch bản từ nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư, và rồi dành thêm 5 năm nữa để chuẩn bị. Mỗi năm, anh vào Cà Mau vài lần để hiểu đời sống của dân bản địa, tìm thêm trải nghiệm và cảm ứng cho tác phẩm của mình.
Vị đạo diễn sinh năm 1968 này cũng chia sẻ, anh từng lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, theo họ ra biển đánh cá. Có lúc, anh thức 3 giờ để cùng một tàu cá ra biển, trải qua nhiều ngày lênh đênh, từ đó tìm ra hướng đi cho ý tưởng kịch bản.
Bảo Ngọc Doling được đạo diễn “chấm” khi mới 13 tuổi
“Tro Tàn Rực Rỡ” là vai chính đầu tay của diễn viên lai mang hai dòng máu Việt - Anh Juliet Bảo Ngọc Doling. Cô đảm nhận vai Hậu - người dẫn chuyện trong phim. Vào năm 13 tuổi, Bảo Ngọc đã lọt mắt xanh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được anh lựa chọn tham gia “Tro Tàn Rực Rỡ” sau một vài phim ngắn mà cô bé tham gia diễn xuất. Nhà làm phim nhận xét: Ngọc là một cô gái trẻ với cái chất thật “gấu”, thật “lì lợm” cho vai nữ chính tên Hậu.
Nhiều nghệ sĩ tới bối cảnh để trải nghiệm 1 tháng trước khi bấm máy mà không đòi hỏi thù lao
Xúc động chia sẻ với các phóng viên, nhà báo và người hâm mộ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dành nhiều lời ngợi khen và cảm kích trước sự ủng hộ của dàn diễn viên trong phim. "Tôi chỉ ước có thêm chi phí để trả cho các diễn viên. Họ đã tiếp thêm động lực cho tôi".
Trước ngày quay, dàn cast đã xuống Cà Mau khoảng một tháng trời, để hiểu và hòa nhập đời sống miền Tây với người dân địa phương. Rất nhiều diễn viên nói với anh mình không cần trả thêm thù lao, dù phải gác lại hết mọi việc riêng, miễn là được tham gia dự án.
Các diễn viên kính nghiệp, không ngừng học hỏi, hết mình vì vai diễn
Trong phim, Phương Anh Đào đảm nhận vai Nhàn - 1 trong 3 nữ chính của “Tro Tàn Rực Rỡ” với số phận tréo ngoe, luôn khao khát yêu và được yêu đến cháy bỏng. Cô là một trong những diễn viên trẻ và tài năng của điện ảnh Việt, sở hữu vẻ đẹp thuần khiết cùng lối diễn xuất vô cùng tự nhiên, vậy nên nữ diễn viên đã nỗ lực hết mình để thể hiện cô gái miền sông nước sát nguyên tác nhất có thể. Suốt một tháng liền, diễn viên “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” đã cùng các bạn diễn tới Cà Mau và dành thời gian chuẩn bị. Cô phải đi phơi nắng, học cách nấu cơm và làm việc nội trợ như một người phụ nữ nông thôn. Khi bấm máy, Phương Anh Đào cũng sẵn sàng phá bỏ hình tượng, trang điểm cho đen đúa đi và hàng ngày phải tô răng bớt trắng để có thể hoàn toàn trở thành Nhàn.
Quang Tuấn, thủ vai nhân vật Tam - chồng của Nhàn càng không kém cạnh. Nam diễn viên từng 2 lần giành giải thưởng Cánh Diều Vàng cho biết anh đã rất chật vật, bỏ không ít công sức để học làm nghề than tại Cà Mau; và được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khen ngợi, ghi nhận là rất “vô vai".
2 diễn viên trẻ Lê Công Hoàng và Bảo Ngọc Doling vào vai cặp vợ chồng Dương - Hậu cũng không lép vế trước các đàn anh đàn chị. “Chàng thơ” của điện ảnh độc lập Việt Nam học nghề chài để vào vai Dương xóm Thơm Rơm cho mượt. Bảo Ngọc Doling dù là tay ngang, hiện đang là sinh viên chuyên ngành Động Vật học tại Úc, nhưng hết mình “xông pha”, học bổ củi, học nghề làm bánh chuối, học chèo ghe. Bảo Ngọc thậm chí còn nhiều lần chèo ghe để chở đoàn phim di chuyển.
NSƯT Hạnh Thúy thực hiện cảnh quay mạo hiểm
NSƯT Hạnh Thúy đảm nhận nhân vật cô Loan “khùng”, “bước ra” từ truyện ngắn “Củi Mục Trôi Về”, với những bi kịch, ẩn ức đầy trăn trở.
Trên phim trường, nữ diễn viên sẵn sàng “trầy da tróc vảy”, không ngại “xấu”, ngại khổ để hóa thân vào nhân vật khó nhằn này. Chia sẻ với phóng viên, Hạnh Thúy có kể về cảnh quay phải lặn sâu ở một địa hình nguy hiểm. Cô không sợ khi phải lặn vì bản thân bơi khá tốt, chỉ sợ lỡ đạp trúng đá hay cây thì không nổi lên được. Cũng rất may mắn khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ekip luôn ưu tiên đảm bảo an toàn cho các diễn viên, và cố gắng hoàn thành mọi thứ nhanh chóng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn