Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và biện pháp phòng ngừa rách giác mạc

17:00 | 03/08/2021;
Giác mạc là bộ phận quan trọng của mắt. Vì thế, nếu rách giác mạc mắt không những gây ảnh hưởng thị lực mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Giác mạc mắt là lớp thủy dịch trong suốt, nằm ngoài cùng của nhãn cầu mắt. Rách giác mạc mắt nếu nghiêm trọng có thể dẫn tới viêm loét giác mạc, thậm chí là mù lòa.

1. Rách giác mạc mắt là gì?

Giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc là những bộ phận cơ bản có nhiệm vụ đảm bảo chức năng nhìn của mắt.

Trong đó, giác mạc (lòng đen) là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu. Giác mạc mắt có hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Đường kính của giác mạc mắt khoảng 11 mm, với bán kính độ cong là 7,7 mm. Chiều dày của giác mạc ở khu vực trung tâm mỏng hơn ở vùng rìa. Giác mạc có 5 lớp, theo thứ tự từ ngoài vào trong, cụ thể bao gồm: biểu mô, màng Bowmans, nhu mô, màng Descemet, nội mô.

Giác mạc có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong của nhãn cầu, cùng với thủy tinh thể và đồng tử hội tụ ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được các sự vật xung quanh.

Vì giác mạc nằm ngoài cùng và mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Rách giác mạc, hay còn được gọi là trầy xước biểu mô giác mô là hiện tượng do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc của mắt khiến thị lực bị giảm sút,khiến người bị rách giác mạc có cảm giác đau nhức khó chịu. Dị vật làm rách giác mạc mắt rất đa dạng, có thể là những vật có kích thước nhỏ như bụi, cát..hay những vật lớn hơn như thủy tinh, côn trùng,…

Rách giác mạc mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được xử lý và điều trị đúng cách, rách giác mạc có thể gây các bệnh về mắt khác như loét giác mạc, sẹo giác mạc và giảm thị lực vĩnh viễn.

Rách giác mạc mắt: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng ngừa, điều trị  - Ảnh 1.

Rách giác mạc mắt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Viêm giác mạc - Nguy hiểm từ biến chứng của đau mắt đỏ ở trẻ em

Liệu mắt đỏ là dấu hiệu của bệnh gì ngoài viêm giác mạc?

2. Triệu chứng của rách giác mạc mắt

Với hầu hết các trường hợp rách giác mạc, triệu chứng dễ dàng nhận biết chính là mắt bị đỏ, đau và trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Ngoài ra, khi bị rách giác mạc, thị lực có thể bị nhòe tạm thời. Cụ thể, những dấu hiệu của rách giác mạc mắt phổ biến nhất là:

- Mắt nóng ấm, đau, đỏ, chảy nước mắt hoặc kích ứng.

- Thị lực bị suy giảm.

- Các cơ ở xung quanh mắt co rút.

3. Nguyên nhân rách giác mạc mắt

Nguyên nhân chính của tình trạng rách giác mạc mắt là do dị vật bám vào và gây nên các vết trầy xước ở giác mạc.

Cụ thể, giác mạc mắt bị rách có thể là do một trong những nguyên nhân dưới đây:

- Dụi mắt quá mạnh.

- Móng tay, cọ trang điểm, tập giấy hay bút...quẹt vào mắt, gây rách giác mạc.

- Mắt dính phải cát, mùn cưa, tro hay một số bụi bẩn, vật lạ khác.

- Mắt bị dình hóa chất hay các chất tẩy rửa hàng ngày.

- Mang kính áp tròng trong thời gian quá dài hay kính áp tròng bị bẩn.

- Khi tham gia thể thao hay các hoạt động khác không mang kính bảo hộ.

- Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.

4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ rách giác mạc mắt

Mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có khả năng bị rách giác mạc mắt. Tuy nhiên, có những yếu tố làm tăng nguy cơ rách giác mạc mắt. Cụ thể, những trường hợp sau đây dễ bị rách giác mạc mắt:

- Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi như xưởng dệt may, xưởng gỗ...mà không có kính bảo hộ.

- Đeo kính áp tròng hoặc không vệ sinh kính áp tròng thường xuyên.

- Tập luyện và chơi các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá.

- Môi trường sống xung quanh có nhiều cát hay bị ô nhiễm.

Rách giác mạc mắt là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và biện pháp phòng ngừa - Ảnh 3.

Đeo kính áp tròng trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân gây rách giác mạc mắt - Ảnh Internet.

5. Cách điều trị rách giác mạc mắt

Rách giác mạc là một trong những chấn thương nặng của mắt. Do đó, cần được xử lý và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm cho mắt.

Sự hồi phục của mắt khi bị rách giác mạc nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí vết rách, nguyên nhân rách giác mạc, mức độ tổn thương....

Thông thường, để điều trị rách giác mạc, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ thuộc nhóm kháng sinh để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn mắt. Theo đó, thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần giảm đau, giảm viêm, trong vài trường hợp, bác sĩ có thể cho kèm các thuốc giảm đau dạng uống. Mắt bị tổn thương có thể được băng kín lại để tránh sự kích thích từ ánh sáng bên ngoài.

Với các vết rách nhỏ, cần khoảng 1-3 ngày để khỏi. Nếu giác mạc bị tổn thương lớn hơn thì cần nhiều thời gian hơn để hồi phục.

Ngoài ra, với trường hợp bị chấn thương xuyên thủng, người bệnh lưu ý cần phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol. Sau đó, tra mắt bằng pomade kháng sinh, băng mắt lại và đến bệnh viện hay các chuyên khoa mắt gần nhất để được điều trị kịp thời.

Thông thường, tổn thương này sẽ điều trị bằng cách khâu. Những trường hợp rách giác mạc phải khâu thì sau một tháng sẽ lành. Để tránh các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần tiếp tục theo dõi điều trị cho tới khi lành hẳn.

6. Các biện pháp phòng ngừa rách giác mạc mắt

Rách giác mạc mắt hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng phong cách sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, khi bị dị vật bay vào mắt, tuyệt đối không nên dụi mắt vì hành động này không những không lấy được dị vật mà còn làm rách giác mạc.

Thay vào đó, để tránh rách giác mạc cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

– Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để các vật lạ hay bụi bẩn trôi ra ngoài.

– Kéo mi mắt bên trên xuống dưới để lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi các bụi bẩn.

– Rửa mắt bằng nước sạch hay nước muối sinh lý.

– Trong trường hợp dị vật vẫn còn trong mắt, cần lưu ý tuyệt đối không cố gắng gắp dị vật ra mà đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa xử trí.

Ngoài ra, để phòng tránh rách giác mạc mắt, trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên duy trì các thói quen dưới đây:

- Dùng thuốc mỡ và thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ định.

- Nghỉ mắt sau thời gian làm việc dài.

- Nếu mắt bị đau, kích ứng, cần đi khám bác sĩ.

- Khi làm việc luôn đeo kính bảo hộ, đặc biệt là trong môi trường nhiều bụi bẩn hay hóa chất.

- Vệ sinh kính áp tròng thường xuyên.

- Không dùng tay dụi mắt.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về rách giác mạc mắt. Hi vọng những kiến thức trong bài viết này sẽ giúp bạn biết cách phòng ngừa rách giác mạc mắt hiệu quả để giữ cho cửa số tâm hồn luôn khỏe, đẹp.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn