Phần trên của bụng là nơi chứa một số cơ quan quan trọng như lách, tuyến tụy, thận, tuyến thượng thận, một phần ruột kết, gan, túi mật, một phần của ruột non được gọi là tá tràng.
Thông thường nguyên nhân đau bụng trên thường tương đối nhỏ và dễ dàng điều trị sau vài ngày. Nhưng có một số bệnh lý tiềm ẩn cũng có thể gây đau bụng trên và cần được thăm khám can thiệp sớm để tránh biến chứng.
- Khó tiêu
Khó tiêu có thể gây ra các triệu chứng như: Đau bụng, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn và nôn mửa, cảm thấy no sớm trong bữa ăn, quá no sau khi ăn, nóng rát trong thực quản hoặc dạ dày,...
Nguyên nhân gây khó tiêu thường là do ăn quá nhiều, ăn quá nhanh hoặc ăn đồ cay, nhiều dầu mỡ, béo. Nó cũng có thể xảy ra nếu bạn nằm xuống ngay sau khi ăn vì điều này có thể khiến việc tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.
Điều trị chứng khó tiêu bao gồm thay đổi lối sống, chẳng hạn như tránh các tác nhân kích thích thức ăn và giảm lượng caffeine hoặc rượu cho đến các loại thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc theo đơn như thuốc kháng axit và thuốc giảm axit dạ dày.
- Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Các triệu chứng của viêm dạ dày bao gồm:
+ Đau vùng bụng trên (thường được mô tả là đau âm ỉ, đau tức)
+ Buồn nôn hoặc nôn mửa
+ Ợ hơi, đầy hơi
+ Ăn không ngon
+ Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng xảy ra khi axit trong dạ dày chảy ngược vào thực quản. Điều này gây kích ứng niêm mạc thực quản và có thể dẫn đến các triệu chứng như: Ợ nóng, buồn nôn, đau rát ngực, khó nuốt, khó chịu hoặc đau bụng đặc biệt khi cúi xuống, cảm giác như có khối u hoặc vật gì chẹn ngang họng, ho, khò khè,...
Các lựa chọn điều trị cho GERD bao gồm giảm cân, tránh các tác nhân kích thích thức ăn và bỏ hút thuốc. Thuốc kháng axit OTC, thuốc chẹn H2 hoặc PPI có thể ngăn chặn hoặc ức chế sản xuất axit dạ dày.
- Ợ nóng
Chứng ợ nóng không phải là một tình trạng riêng lẻ mà là triệu chứng của một tình trạng rối loạn khác. Các vấn đề sức khỏe như trào ngược axit và GERD được cho là thủ phạm chính gây ra chứng ợ nóng.
Chứng ợ nóng biểu hiện bằng cảm giác nóng rát ở ngực, thường cảm thấy ở phía sau xương ức. Cơn đau cũng có thể lan lên cổ họng và bạn cũng có thể cảm thấy vị đắng, chua ở phía sau cổ họng.
- Sỏi mật
Sỏi mật là loại sỏi được hình thành trong túi mật hoặc đường mật. Những cơn đau do sỏi mật thường nhiều và liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ. Cơn đau thường xảy ra ở vùng hạ sườn phải hoặc đau bụng trên rốn ở thượng vị.
Các triệu chứng khác của sỏi mật thường bao gồm: Cảm giác chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, sốt cao trên 38 độ C, ngứa da, vàng da, vàng mắt.
- Áp xe gan
Áp xe gan là một khối chứa đầy mủ trong gan có thể hình thành do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, nhiễm trùng máu, tổn thương gan hoặc nhiễm trùng vùng bụng như viêm ruột thừa gây ra. Áp xe gan gây ra những cơn đau tức ở vùng dưới sườn bên phải gần với gan.
Các triệu chứng của áp xe gan khác có thể gặp bao gồm: Sốt hoặc ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn mửa, yếu đuối, vàng da, giảm cân, cảm giác căng tức ở hạ sườn phải do gan sưng to, đôi khi có thể gây ho, đổ mồ hôi nhiều hơn, sụt cân do chán ăn.
Để điều trị áp xe gan, cần phải dẫn lưu ổ áp xe cùng với điều trị bằng kháng sinh. Nếu áp xe nghiêm trọng, có thể phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ để loại bỏ áp xe và các mô xung quanh.
- Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một tình trạng cấp tính xảy ra tại một phần ruột nhỏ hình ống nằm ở phía bên phải của ruột già. Cơn đau do viêm ruột thừa thường là đau dạng âm ỉ ở quanh rốn hoặc đau bụng trên rốn rồi lan dần tới vùng hạ bụng bên phải. Một khi cơn đau lan rộng hơn cả bụng, có thể ruột thừa đã bị vỡ dẫn tới viêm phúc mạc.
Các triệu chứng của viêm ruột thừa bao gồm: Đau đột ngột bắt đầu quanh rốn và thường lan xuống vùng bụng dưới bên phải; cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi ho, đi lại hoặc cử động đột ngột; sốt nhẹ; táo bón hoặc tiêu chảy; đầy hơi; buồn nôn và ói mửa; ăn không ngon.
- Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là vết loét hở phát triển ở dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Nếu dạ dày chỉ bị ảnh hưởng thì được gọi là loét dạ dày. Nếu chỉ ảnh hưởng đến tá tràng thì được gọi là loét tá tràng.
Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm H. pylori và sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen.
Các triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng bao gồm: Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, bất cứ nơi nào giữa rốn và xương ức; đầy hơi; ợ hơi; cảm thấy no quá sớm khi đang ăn; cảm thấy khó chịu sau khi ăn; buồn nôn và ói mửa; nóng rát trong ngực.
Các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton.
- Tắc ruột
Tắc ruột là sự suy giảm cơ học hoặc chức năng của ruột. Các triệu chứng thường gặp của tắc ruột bao gồm: Chuột rút vùng bụng xuất hiện từng đợt, táo bón, ăn không ngon, nôn mửa, không có khả năng đại tiện hoặc không có hơi.
Cơn đau bụng do tắc ruột được mô tả là đau quặn bụng tập trung ở vùng quanh rốn hoặc đau thượng vị.
Tắc ruột được coi là một trường hợp cấp cứu y tế. Các phương pháp điều trị bao gồm thụt tháo hoặc đặt một ống lưới nhỏ (stent) để thông tắc nghẽn. Phẫu thuật là cần thiết khi ruột bị tắc hoàn toàn hoặc nguồn cung cấp máu bị cắt.
- Đau tim
Cơn đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, là kết quả của một động mạch đến tim bị tắc nghẽn. Các triệu chứng ở bụng không hiếm gặp, đôi khi dễ bị nhầm với viêm dạ dày hay các vấn đề tiêu hóa khác.
Các triệu chứng của cơn đau tim bao gồm: Cảm giác đau thắt ở ngực; thở hụt hơi; đổ mồ hôi lạnh, cảm thấy lâng lâng, chóng mặt, hoa mắt; cơn đau lan sang cánh tay trái; ợ nóng hoặc khó tiêu; buồn nôn và nôn mửa.
- Viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng gây viêm túi khí trong phổi. Các túi khí có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, dẫn đến khó thở và các triệu chứng khác. Dạng viêm phổi phổ biến nhất là do vi khuẩn gây ra, nhưng bệnh viêm phổi cũng có thể phát triển do nhiễm virus.
Viêm phổi thường biểu hiện bằng cơn đau ngực dữ dội hoặc đau nhói, có thể trầm trọng hơn khi người bệnh ho hoặc cố gắng thở sâu. Đau bụng dữ dội đôi khi xảy ra khi thùy dưới của phổi bị ảnh hưởng. Các triệu chứng khác của viêm phổi thường bao gồm: Hô hấp yếu, mệt mỏi, nôn mửa, sốt, buồn nôn, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, ho có đờm xanh hoặc vàng hoặc có lẫn máu.
Việc điều trị viêm phổi có thể bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt và liệu pháp oxy trong những trường hợp nặng.
- Ung thư
Một số loại ung thư cũng có thể gây đau ở phần trên của bụng. Chúng bao gồm: Ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư đường mật, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư thể lymphoma, ung thư thận.
Tùy thuộc vào loại ung thư, bạn có thể cảm thấy đau ở bên phải hoặc trái phần trên của bụng, hoặc toàn bộ bụng. Sự phát triển của khối u, cũng như các triệu chứng kèm theo như chướng bụng và viêm nhiễm, có thể dẫn tới đau bụng trên.
Những triệu chứng ung thư chung khác cần chú ý bao gồm: Giảm cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, sốt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa, vàng da, táo bón, tiêu chảy, thay đổi kết cấu phân và thói quen đại tiện, máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân, khó tiêu.
Ung thư có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch, ghép tế bào gốc.
Ngoài các tình trạng phổ biến gây đau bụng trên như đã liệt kê thì đau bụng trên cũng có thể do các vấn đề tại lá lách (lá lách to, vỡ lá lách), các tổn thương ống mật, viêm tụy, bệnh zona thần kinh, thai kỳ,... gây ra. Điều quan trọng là chú ý tới những biểu hiện bất thường của cơ thể, điều gì khiến cơ đau bụng trên bị kích hoạt và yếu tố khiến cơn đau nghiêm trọng hơn hay giảm nhẹ đi để giúp bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng hơn.
Thường thì một số trường hợp đau bụng trên mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Chẳng hạn như chườm lạnh lên vùng bụng bị đau để giảm bớt các triệu chứng do căng cơ.
Lưu ý rằng, aspirin hay ibuprofen có thể khiến dạ dày bị kích ứng và cơn đau bụng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong trường hợp cơn đau bụng trên kéo dài, không có dấu hiệu giảm nhẹ sau một vài ngày, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và can thiệp điều trị. Cơn đau bụng trên là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp nếu kèm theo các triệu chứng: Không có khả năng giữ thức ăn trong dạ dày, phân có lẫn máu, khó thở, nôn ra máu, đau dữ dội hơn khi chạm vào bụng, đau nghi ngờ do chấn thương vật lý, đang mang thai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn