Nguyên nhân gây ra vị kim loại khi ho là gì?

16:16 | 08/01/2024;
Khi bị ho kèm theo cảm giác vị kim loại hoặc vị máu, đây có thể là dấu hiệu của cảm lạnh nặng, dùng một số loại thuốc hoặc tập luyện quá sức, thậm chí là mang thai.

Cảm giác có vị kim loại khi ho thường không đáng lo ngại nhưng có thể gây khó chịu cho người bệnh. Bằng một số biện pháp tại nhà bạn có thể giảm triệu chứng này một cách nhanh chóng.

1. Nguyên nhân gây ra vị kim loại khi ho

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra vị kim loại khi ho và mức độ nghiêm trọng của những tình trạng này:

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên, như cúm hoặc viêm xoang, có thể kích thích mũi, cổ họng và phổi, gây ra cảm giác vị kim loại khi ho. Thông thường các triệu chứng của nhiễm trùng được hô hấp trên sẽ cải thiện sau 7 – 10 ngày và quá trình hồi phục nhanh chóng.

Bệnh cảm lạnh là tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng đến người lớn trung bình 2 đến 3 lần mỗi năm và trẻ em thậm chí còn nhiều hơn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận vị giác, dẫn đến cảm giác vị kim loại trong miệng.

Các nhiễm trùng đường hô hấp trên khác, như viêm họng và viêm họng do liên cầu, thường không gây ra cảm giác vị kim loại khi ho.

Nguyên nhân gây ra vị kim loại khi ho là gì?- Ảnh 1.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng phổ biến gây ho kèm theo có vị kim loại trong miệng (Ảnh: Internet)

- Hen suyễn hoặc khó thở do tập thể dục

Những người mắc bệnh hen suyễn hoặc những người mới bắt đầu tập thể dục mạnh có thể cảm nhận vị kim loại kèm theo tiếng thở khò khè hoặc ho khi thở gặp khó khăn.

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính nên người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát.

- Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nặng có thể dẫn đến cảm giác vị kim loại trong miệng khi đường thở bắt đầu co thắt, gây ra tiếng thở khò khè và ho. Đây là tình trạng y tế khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời.

- Thuốc

Một số loại thuốc, như thuốc chống đông máu, hóa trị, gây mê, kháng sinh, metformin, lithium, và ức chế ACE, có thể gây ra cảm giác vị kim loại. Quan trọng là phải tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào với thuốc.

- Tập thể dục quá sức

Tập thể dục quá sức có thể gây ra vị kim loại trong miệng. Khi tập luyện mạnh, áp lực lên phổi có thể dẫn đến tích tụ dịch, gây ra rò rỉ hồng cầu vào túi khí của phổi. Điều này có thể dẫn đến sự giải phóng huyết sắc tố - trong huyết sắc tố có chứa 2/3 lượng sắt trong cơ thể. Đây là lý do khi phế quản vận chuyển huyết sắc tố đến miệng chúng ta sẽ cảm nhận vị kim loại.

Hơn nữa, tập luyện cũng có thể gây kích thích các màng nhầy, điều này cũng có thể góp phần tạo ra vị kim loại khi ho hoặc cảm thấy trong miệng.

Nguyên nhân gây ra vị kim loại khi ho là gì?- Ảnh 2.

Tập thể dục quá sức có thể tạo áp lực lên phổi và dẫn đến sự giải phóng huyết sắc tố nên gây ra triệu chứng ho kèm theo vị kim loại (Ảnh: Internet)

- Trám kim loại trong răng

Trám kim loại trong răng đôi khi có thể là nguyên nhân gây vị kim loại khi ho. Khi nước bọt tác động với trám kim loại, nó có thể gây ra vị kim loại.

Ngoài ra, những tình trạng khác như phụ nữ mang thai, người đang điều trị ung thư cũng như những người gặp các bệnh lý tiêu hoá như viêm dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng ruột kích thích cũng cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Tuy nhiên, họ có thể ho hoặc không, tuỳ vào tình trạng của bệnh lý hoặc sức khoẻ.

2. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, việc cảm thấy vị kim loại khi ho thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi có các dấu hiệu:

- Sốt kéo dài hoặc sốt cao

Nếu bạn cảm thấy vị kim loại trong miệng cùng với tình trạng sốt kéo dài hoặc sốt cao, việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế là quan trọng, đặc biệt nếu bạn sốt kéo dài hơn 5 ngày.

- Ho ra máu

Ho ra một lượng nhỏ máu trong quá trình cảm lạnh là bình thường và thường chỉ ra sự kích thích trong đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu bạn ho kèm theo nhiều máu, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng như viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi, viêm phổi, thuyên tắc phổi, hoặc lao.

- Khò khè hoặc khó thở

Khó thở hoặc khò khè kèm theo ho có thể chỉ ra tình trạng hẹp đường thở do cơn hen phế quản nghiêm trọng, sốc phản vệ, đau tim, hoặc thuyên tắc phổi.

Nguyên nhân gây ra vị kim loại khi ho là gì?- Ảnh 3.

Khi gặp các triệu chứng như sốt cao, ho kéo dài hoặc ho ra máu thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay (Ảnh: Internet)

3. Cách điều trị mùi vị kim loại khi ho

Tuy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương pháp điều trị cảm giác vị kim loại sau khi ho khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp điều trị và giảm triệu chứng các bạn có thể tham khảo:

- Điều trị ho

Nếu cơn ho của bạn gây ra vị kim loại, việc điều trị tình trạng gốc rễ như cảm lạnh hoặc viêm phế quản có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Điều này có thể bao gồm việc uống thuốc ho hoặc kháng sinh cho các tình trạng như viêm phổi.

Ngoài ra, các bạn có thể thử một số biện pháp dân gian như uống nước mật ong ấm, trà bạc hà, trà hoa cúc,...

- Cải thiện sức khoẻ của nướu

Duy trì sức khỏe nướu tốt thông qua việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, cũng như các kiểm tra nha khoa định kỳ, có thể ngăn chặn viêm nhiễm có thể gây ra vị kim loại trong miệng.

- Uống nhiều nước

Uống nhiều nước có thể giúp làm loãng chất nhầy và hỗ trợ việc loại bỏ chất nhầy khỏi cơ thể, từ đó giúp giảm ho và làm giảm vị kim loại trong miệng.

- Tránh ô nhiễm và khói bụi

Bỏ thuốc lá và tránh những khu vực có khói hoặc ô nhiễm có thể giúp ngăn ngừa ho ra máu hoặc cảm giác vị kim loại.

Tóm lại, cảm thấy có vị kim loại khi ho thường không đáng lo ngại nhưng bạn cũng không nên chủ quan và không loại trừ khả năng có liên quan đến một số bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bị ho kéo dài và thường xuyên cảm thấy có vị kim loại thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn