Nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn

12:47 | 14/03/2024;
Đôi khi việc trải qua cơn đau sau bữa ăn (postprandial pain) là điều không đáng lo ngại nhưng nếu đau bụng sau ăn thường xuyên xảy ra, có thể cơ thể đang cố gắng báo hiệu cho bạn thấy đã đến lúc cần gặp bác sĩ.

Postprandial Pain là thuật ngữ chỉ cơn đau sau ăn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, chẳng hạn như khó tiêu, ăn quá nhiều, không dung nạp thức ăn, sỏi mật,... Cơn đau sau ăn, khó chịu vùng bụng có thể ở nhiều vị trí khác nhau như bụng giữa, dưới xương ức hay vùng xương sườn. Cảm giác đau được mô tả đôi khi là đau âm ỉ, đôi khi lại như bị thít chặt lại,...

1. Nguyên nhân gây đau bụng sau khi ăn

Dưới đây là nguyên nhân gây đau bụng sau ăn phân loại theo nguyên nhân phổ biến và ít phổ biến. Tuy nhiên việc tự xác định nguyên nhân đôi khi có thể khó khăn, đặc biệt nếu có nhiều hơn một yếu tố tác động và triệu chứng liên quan.

1.1. Nguyên nhân phổ biến

- Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh

Dạ dày một người có kích thước giới hạn nên việc ăn quá nhiều khiến dạ dày phải "cố gắng" giãn ra để chứa thức ăn mà bạn tiêu thụ và gây đau đớn hoặc khó chịu. Tương tự, việc ăn quá nhanh có thể khiến bạn nuốt thêm không khí dẫn tới đầy hơi và chướng bụng.

Để ăn chậm lại, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên bạn nên ăn từng miếng một, nhai kỹ rồi mới lấy miếng tiếp theo vào bát.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn- Ảnh 1.

Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh có thể gây đau bụng sau ăn (Ảnh: Internet)

- Khó tiêu

Đau hoặc nóng rát ở vùng bụng trên ngay phía dưới xương sườn thường được gọi là đau thượng vị hoặc đau bụng khó tiêu.

Chứng khó tiêu có thể khiến một người cảm thấy no nhanh hơn trong bữa ăn kèm theo cảm giác buồn nôn và đầy hơi.

Có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy tình trạng khó tiêu, chẳng hạn thói quen uống quá nhiều cà phê hoặc rượu; ăn quá nhanh hoặc quá nhiều; ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, cay nóng hoặc chứa nhiều axit như cam và cà chua; bị trầm cảm, khói thuốc,...

Nếu chứng khó tiêu của bạn là mãn tính và không thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể, bạn có thể mắc chứng khó tiêu chức năng (functional dyspepsia - FD) là tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, đặc trưng bởi một hoặc các triệu chứng như đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, đau thượng vị, ợ hơi và không phát hiện triệu chứng bất thường khác trên lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng thường quy.

Có hai thể của chứng khó tiêu chức năng có thể gây đau bụng sau ăn, tuỳ thuộc vào triệu chứng lâm sàng nổi trội:

+ Thể đầy bụng sau ăn (postpandial distress syndrome – PDS): đặc tưng bởi cảm giác no sớm trong bữa ăn.

+ Thể đau thượng vị (Epigastric pain syndrome – EPS): triệu chứng chính là đau vùng thượng vị hoặc nóng rát thượng vị.

- Không dung nạp thực phẩm và dị ứng

Nhiều người nhầm lẫn giữa dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm. Điều này phần lớn là do một số triệu chứng của hai tình trạng sức khỏe này có thể có nhiều điểm tương đồng, như đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn- Ảnh 2.

Nhiều người nhầm lẫn giữa dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm (Ảnh: Internet)

Chứng không dung nạp thức ăn là do cơ thể không thể tiêu hóa được một thành phần nào đó trong thức ăn. Ví dụ, việc thiếu enzyme lactase gây ra tình trạng không dung nạp lactose hoặc các vấn đề về sữa. Trong trường hợp này, tiêu thụ khẩu phần nhỏ hơn hoặc sản phẩm không chứa lactose có thể giúp ngăn ngừa đau bụng.

Những người bị dị ứng thực phẩm phải tránh hoàn toàn một số loại thực phẩm hoặc thành phần nhất định vì chúng có thể gây ra phản ứng miễn dịch bất thường mà trong một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng. Dị ứng với trứng, sữa, đậu phộng, động vật có vỏ và lúa mì là phổ biến nhất.

Nếu nghi ngờ, bạn nên thăm khám bác sĩ để được xác định chính xác nguyên nhân. Chẩn đoán sớm không chỉ giúp bạn lên kế hoạch cho bữa ăn tốt hơn mà còn giúp bạn sớm có biện pháp dự phòng với epinephrine - phương pháp điều trị khẩn cấp mà bạn có thể sử dụng trong trường hợp phản ứng dị ứng nặng.

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng tiêu hóa mà axit chảy ngược từ dạ dày lên thực quản - ống dẫn thức ăn tới miệng của bạn. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường bao gồm ợ nóng, đau khi nuốt và họng/miệng có vị axit hoặc các mảnh vụn thức ăn chưa tiêu hóa hết và đau vùng bụng - dạ dày sau khi ăn.

Để giảm thiểu triệu chứng, bạn có thể thử các biện pháp sau:

+ Không nằm xuống ngay sau khi ăn, ít nhất là chờ 2-3 giờ.

+ Tránh các thực phẩm gây kích ứng như đồ cay nóng, axit, hoặc chất béo.

+ Giảm cân nếu bạn đang gặp vấn đề về cân nặng.

+ Không mặc quần áo chật chội quanh vùng bụng.

+ Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

+ Nâng cao đầu giường khoảng 15-20 cm để ngăn axit trào ngược.

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp, có thể bao gồm cả việc sử dụng thuốc.

- Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng sức khỏe khiến người bệnh bị đau bụng dai dẳng. Trên thực tế, ba loại IBS phổ biến nhất liên quan đến cảm giác khó chịu ở bụng, cùng với một triệu chứng khác là tiêu chảy hoặc táo bón hoặc xen kẽ hai tình trạng này.

Tùy thuộc vào từng người bị IBS mà sự khó chịu ở bụng được mô tả cũng khác nhau, có thể là đầy hơi, nóng rát, co thắt, chướng bụng hoặc đau nhói. Vị trí đau thường gặp ở phần trên, giữa và bụng dưới hoặc lan đến phần thân trên.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn- Ảnh 3.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng sức khỏe khiến người bệnh bị đau bụng dai dẳng (Ảnh: Internet)

- Sỏi mật

Sỏi mật phát sinh khi có sự mất cân đối giữa các thành phần hóa học trong mật, dẫn đến việc kết tủa và tạo sỏi. Có người không có triệu chứng gì nhưng người khác có thể trải qua đau bụng cấp tính, vàng da hoặc nhiễm trùng.

Sỏi mật đôi khi gây đau sau khi ăn, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều chất béo hoặc ăn quá no hay khi bụng đói khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Cơn đau như thế này đôi khi được gọi là đau bụng do sạn mật.

- Viêm tụy

Viêm tụy cũng có thể gây đau bụng sau ăn, cơn đau thường bắt đầu ở vùng bụng trên và lan sa phía sau. Bạn cũng có thể bị buồn nôn và nôn mửa - hai triệu chứng giúp phân biệt với các nguyên nhân gây đau bụng khác sau khi ăn.

Theo Very Well Health, người bị viêm tụy thường có vẻ ngoài ốm yếu, tiều tụy. Ngoài nôn và buồn nôn thì các triệu chứng như tim đập nhanh, đau bụng dữ dội, thở hụt hơi và vàng da cho thấy cần thăm khám bác sĩ sớm bởi lúc này tụy, túi mật hoặc ống tụy có thể đang bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn.

- Loét dạ dày tá tràng

Những vết loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng có thể gây đau bất kì vị trí nào ở giữa xương ức và rốn kể cả sau khi ăn hoặc khi dạ dày rỗng.

1.2. Nguyên nhân ít phổ biến hơn

Ngoài những nguyên nhân phổ biến có thể gây đau bụng sau khi ăn kể trên thì các nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm:

- Chứng Aerophagy (nuốt không khí): nuốt không khí quá mức lặp đi lặp lại gây khó chịu ở bụng, đầy hơi và ợ hơi nặng để tống khí ra ngoài.

- Táo bón: táo bón có thể gây đau bụng sau khi ăn do thức ăn mới thêm vào khiến cho áp lực trong ruột tăng lên, đặc biệt là khi ruột già chứa nhiều phân cứng và khô. Điều này có thể gây cảm giác đau rát hoặc đau quặn ở bụng dưới.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng sau khi ăn- Ảnh 4.

Táo bón có thể gây đau bụng sau khi ăn do thức ăn mới thêm vào khiến cho áp lực trong ruột tăng lên (Ảnh: Internet)

- Ngộ độc thực phẩm: một trong những triệu chứng chính của ngộ độc thực phẩm là đau bụng. Các triệu chứng có thể xuất hiện vài giờ sau ăn.

- Thức ăn: một số loại thực phẩm bao gồm đồ ăn và đồ uống có thể kích thích tiêu hóa dẫn tới đau bụng hoặc đau dạ dày sau ăn, chẳng hạn:

+ Thức ăn cay: ớt chứa thành phần capsaicin có thể gây ra cảm giác nóng rát dẫn tới kích ứng dạ dày và đau bụng sau ăn.

+ Cà phê: có thể gây kích ứng dạ dày, co thắt và gây khó chịu với một số người.

+ Rượu: rượu và các đồ uống có cồn có thể gây đầy hơi, buồn nôn và khó tiêu cũng như khiến chứng ợ nóng trở nên tồi tệ hơn.

- Bệnh cường giáp: khi tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng tới xương, cơ và tim. Các triệu chứng có thể có của bệnh cường giáp có thể bao gồm đau dạ dày và tiêu chảy.

- Căng thẳng: căng thẳng có thẻ khiến cơ bắp căng thẳng kéo theo đau hoặc khó chịu ở dạ dày sau khi ăn.

- Tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp.

2. Khi nào đau sau khi ăn cần thăm khám bác sĩ?

Cơn đau trong cơ thể có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy đau sau khi ăn và điều này không ảnh hưởng gì tới việc sinh hoạt bình thường thì bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng đau sau khi ăn thường xuyên diễn ra hoặc cơn đau có mức độ dữ dội ảnh hưởng tới hoạt động bình thường thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bạn cũng cần gặp bác sĩ sớm nếu cơn đau dữ dội sau ăn kèm theo bất kì triệu chứng nào dưới đây:

- Ớn lạnh

- Sốt

- Vàng da

- Nhịp tim đập nhanh

- Nôn mửa nghiêm trọng

- Mất nước.

Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên các triệu chứng hoặc yêu cầu bạn thực hiện thêm các xét nghiệm kiểm tra như nội soi, theo dõi pH, chụp CT, chụp MRI, xét nghiệm máu,... Nhìn chung việc điều trị đau bụng sau khi ăn cần phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể hữu ích nhưng bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi uống bất kì loại thuốc nào.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn