Nguyên nhân khiến số người sốt xuất huyết tăng chóng mặt

13:49 | 23/07/2017;
Sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại các tỉnh, thành trong cả nước khiến nhiều bệnh viện quá tải. Sự thờ ơ của người dân trong công tác phòng dịch là một trong những nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh.
Dịch sốt xuất (SXH) đang bùng phát mạnh ở Hà Nội và các đô thị lớn khiến số người mắc tăng nhanh. Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân khách quan từ diễn biến bất thường của thời tiết, sự thích nghi của các chủng virus gây bệnh thì nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm chính là sự thờ ơ của con người.

Chị Mai Thị Hà, khu tập thể điện cơ (Thái Hà, Quận Đống Đa) cho biết, bị SXH đã bước sang ngày thứ 7. Hiện tại, tình trạng bệnh của chị đã đỡ hơn, không còn sốt, mệt mỏi, đau nhức như vài ngày trước.

Theo chị Hà, cách đây chừng 1 tuần, chị thấy đột ngột sốt cao, lên đến 40 độ C. Nghĩ sốt thông thường, chị uống thuốc hạ sôt nhưng không đỡ. Tình trạng như vậy kéo dài đến ngày thứ 3 khiến chị giảm cân, mệt mỏi nên gia đình đưa đến BV. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận chị bị SXH.

Nghe đến đó, chị ân hận bởi trước khi bị bệnh 2 tuần, địa phương đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi nhưng gia đình chị nhất định không đồng ý. Lý do gia đình chị không cho phun hóa chất vì “không chịu được mùi”, rồi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên cán bộ có động viên, giải thích thế nào cũng không được. Vì vậy, cả tầng có 5 hộ thì chỉ có nhà chị không phun. Cũng vì thế, đến nay cả tầng chỉ có mình gia đình chị mắc SXH.
1_325055.jpg
SXH tăng nhanh nên xảy ra tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường

Cũng như chị Hà, tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều hộ dân khi được hỏi cho biết, từng từ chối phun hóa chất. Mỗi người đưa ra một lý do, hộ thì nhà con nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến cháu; nhà thì cho biết đi vắng cả ngày không có người ở nhà… Vì thế, hiện nay quận Hoàng Mai được xem là ổ dịch SXH lớn nhất của Hà Nội.

Trong một diễn biến khác, sáng ngày 23/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa có thêm một trường hợp tử vong do SXH, nâng tống số ca tử vong do căn bệnh này lên con số 3. Cụ thể, đó là bệnh nhân N.T (54 tuổi, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) bị tử vong do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc SXH.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 6.000 trường hợp mắc, trong đó đã có 3 ca tử vong do SXH. Hiện 28 BV của Hà Nội đều có bệnh nhân SXH vào điều trị. Trong đó, các BV như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất, xảy ra tình trạng quá tải từ hơn 1 tháng nay. Hầu hết các giường bệnh đều phải nằm ghép, dù đã kê thêm giường bệnh.

Trên địa bàn cả nước thì TP.HCM được xem là tâm điểm của dịch SXH với hơn 10.000 người mắc, trong đó 3 trường hợp tử vong. Tại các BV lớn như Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường.
20227462_1777670902295161_1397975826_n.jpg
Phun hóa chất để phòng bệnh SXH

Thực tế, dịch SXH hầu như chỉ xảy ra ở các thành phố, còn vùng nông thôn rất ít. Lý giải điều này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, muỗi Aedes truyền virus gây bệnh SXH lưu hành ở hầu hết các thành phố. Trong khi đó, hiện nay quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, mật độ dân cư tăng cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém là điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh.

Ngoài những nguyên nhân khách quan từ diễn biến bất thường của thời tiết, sự thích nghi của các chủng virus gây bệnh thì nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm chính là sự thờ ơ của người dân. Nhiều hộ dân đang xây dựng, cơi nới hoặc trồng rau, chứa nước trong sân vườn, trên tầng thượng chủ quan không thực hiện đầy đủ các biện pháp diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt. Thậm chí còn thể hiện thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Đó là chưa kể khi địa phương phun hóa chất diệt muỗi, nhiều gia đình không cho phun. Thậm chí cả chung cư đồng ý, nhưng chỉ có 1-2 hộ không cho phun, cuối cùng gia đình không cho phun bị SXH.

Theo ông Phu, bệnh SXH đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn