Theo số liệu công bố ngày 25/4 của Bộ Quốc phòng Sri Lanka, đã có 321 người thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương trong các cuộc tấn công trực tiếp nhắm vào các nhà thờ và khách sạn ở Thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 21/4, đúng Lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo.
Mâu thuẫn tôn giáo luôn âm ỉ
Các tôn giáo đều dạy con người về hòa bình và lòng vị tha. Tuy nhiên, những ngày qua, nỗi đau khổ luôn đè nặng con tim của những người mộ đạo. Theo người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka đã có 321 người thiệt mạng và khoảng 500 người khác bị thương trong 8 vụ đánh bom liên tiếp tại các nhà thờ Công giáo, khách sạn hạng sang ngày 21/4. Cảnh chết chóc sau các vụ đánh bom liên hoàn nhắc nhớ người dân về 26 năm sống trong bạo lực của thời kỳ nội chiến. Cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), tổ chức đòi ly khai cho người Tamil ở phía Đông Bắc Sri Lanka đã khiến gần 100.000 người thiệt mạng. Nội chiến chỉ kết thúc khi phe ly khai dần tan rã sau các chiến dịch truy quét của quân đội chính phủ.
Với 21 triệu dân, đất nước được coi là “Hòn ngọc trên Ấn Độ Dương” này, chiến tranh vẫn là một quá khứ còn dang dở, xung đột bạo lực đang là câu chuyện chưa có điểm dừng. Sri Lanka vốn có một lịch sử dài chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai. Cuộc chiến gần 30 năm chống LTTE đã cơ bản chấm dứt năm 2009. Tuy nhiên, ở một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc với nhiều biến cố trong lịch sử như Sri Lanka, có lẽ những mầm mống xung đột luôn tiềm ẩn và dễ dàng bùng phát. Xung đột giáo phái và sắc tộc trở thành vấn đề dai dẳng làm đau đầu tất cả các chính phủ ở Sri Lanka. Bản thân sự xuất hiện của LTTE và cuộc chiến tranh đẫm máu ở Sri Lanka từ năm 1983 cũng được cho bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa cộng đồng người thiểu số Tamil theo đạo Hindu và cộng đồng sắc tộc Sinhala theo Phật giáo.
Mặc dù chiến tranh đã kết thúc 10 năm, đến nay Sri Lanka vẫn chưa thể thực hiện hòa giải và giải quyết thỏa đáng quá khứ xung đột. Tháng 3/2018, bạo lực tôn giáo bùng phát và lan rộng buộc Tổng thống Maithripala Sirisena phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và triển khai quân đội ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thậm chí, các cuộc tấn công, bạo lực tôn giáo diễn ra không phải tự phát mà là có tổ chức.
Ở Sri Lanka, người theo đạo Thiên Chúa chỉ chiếm chưa đầy 10% dân số nhưng thường xuyên là mục tiêu chính của những kẻ khủng bố. Liên minh Tin Lành quốc gia Sri Lanka, đại diện cho 200 nhà thờ trên cả nước, đã báo cáo về 86 vụ việc liên quan đến các hành động phân biệt, đe dọa và bạo lực đối với người Thiên Chúa giáo trong 2018. Năm 2019, tổ chức này cho biết có 26 vụ việc tương tự đã được ghi nhận. Ngoài ra, theo tổ chức Open Doors - một mạng lưới quốc tế hỗ trợ người Thiên Chúa giáo, Sri Lanka xếp thứ 46 trong số 50 quốc gia nơi người theo đạo Thiên Chúa phải đối mặt với áp bức và trừng phạt nặng nề nhất.
Hầu hết các vụ tấn công chết người trước đây ở Sri Lanka đều do phiến quân LTTE thực hiện. Song đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi Sri Lanka kết thúc cuộc nội chiến 10 năm về trước. Tuy nhiên, hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào thừa nhận thực hiện các vụ tấn công này. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến các vụ tấn công liên hoàn ở Sri Lanka. Đây có thể là sản phẩm của hành động thù địch chống phương Tây hoặc chống chính phủ, hay thậm chí bắt nguồn từ sự thù ghét của chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo. Điều đáng lo ngại là những vụ tấn công kiểu này lại đang trở nên thường xuyên hơn, nhất là khi các chính phủ chưa thể tìm ra cách thức để ngăn chặn, bất chấp việc sở hữu những công nghệ tối tân nhất và hợp tác với nhau để chia sẻ thông tin tình báo. Mâu thuẫn đó càng lớn hơn cùng với những căng thẳng ngày càng tăng về kinh tế, tài chính của Sri Lanka.
Có bàn tay khủng bố IS
Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene tuyên bố đã xác định được nghi phạm gây ra 8 vụ đánh bom đẫm máu là những kẻ mang tư tưởng “cực đoan tôn giáo”. Các quan chức chính phủ Sri Lanka cáo buộc nhóm chiến binh địa phương có tên National Thowfeek Jamaath (NJT) đã thực hiện nhiều vụ đánh bom tự sát ngày 21/4. NTJ là nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka liên quan đến vụ phá hủy tượng Phật ở nước này vào năm ngoái. Một số nguồn tin cho biết kẻ đã thực hiện vụ đánh bom tự sát tại khách sạn Shangri-La ở thủ đô Colombo là giáo sĩ Hồi giáo Moulvi Zahran Hashim từng xuất hiện trong một số video được NJT đăng trên YouTube.
Ngoài ra, theo giới phân tích, loạt vụ đánh bom trong ngày lễ Phục sinh ở nước này đã được tiến hành với sự giúp đỡ của một mạng lưới quốc tế. Hiện tổng cộng 24 nghi can đã bị bắt giữ để thẩm vấn. Các cuộc đánh bom đẫm máu cho thấy nhiều dấu hiệu giống như những cuộc tấn công IS từng thực hiện bởi chúng được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ. loạt vụ đánh bom này nhằm tới dân thường, được tiến hành một cách vô cùng dã man để tạo hiệu ứng tối đa.
Chúng cũng lựa chọn những địa danh nổi tiếng tập trung đông người và nhiều du khách nước ngoài. IS hiện đã mất đi thành trì cuối cùng ở Syria cách đây vài tuần từng có “tiền án” thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng Thiên Chúa Giáo trong những ngày lễ, đặc biệt là Giáng sinh và Phục sinh. Bộ Tư pháp Sri Lanka cho biết, 32 người theo đạo Hồi sinh ra trong những gia đình “trí thức được giáo dục tốt” ở nước này đã gia nhập hàng ngũ IS ở Syria. Chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố Raffaello Pantucci cho biết, sự suy tàn của IS ở Trung Đông có thể khiến những kẻ cực đoan tìm đường trở lại quê hương và thực hiện các cuộc tấn công ngay tại đây.