Nguyên nhân trẻ mắc sởi tăng đột biến tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương

10:06 | 18/01/2019;
Số bệnh nhi mắc sởi ở khu vực phía Nam tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Theo thống kê, số trẻ mắc sởi thuộc 2 tỉnh này chiếm tới 70% trong tổng số trẻ bị sởi.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, kiện khoa đang điều trị khoảng 50 trường hợp bệnh nhi mắc sởi, thậm chí có trẻ chỉ 3 tháng tuổi cũng mắc sởi. Các bệnh nhi nhập viện phần lớn ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, chiếm 70% tổng số bệnh nhi điều trị nội trú.
 
Thống kê cho thấy, có đến 95% trẻ mắc sởi nhập viện không chích ngừa vaccine phòng sởi, còn lại một số cháu có chích ngừa 1 mũi. Những cháu chích ngừa mắc sởi ở mức độ nhẹ, nằm chừng 1 hoặc 2 ngày là ổn định và được xuất viện.
 
Theo bác sĩ Việt, để kiểm soát bệnh sởi chỉ có cách tốt nhất đó là chích ngừa vaccine phòng bệnh này. Theo hướng dẫn chích ngừa sởi của Bộ Y tế khi trẻ được 9 tháng tuổi tiêm ngừa mũi đầu tiên, đến 18 tháng sẽ chích mũi 2. Khi chích mũi đầu tiên có thể phòng ngừa 80 - 85% và khi chích mũi 2 thì phòng ngừa lên đến 95% các trường hợp. Và cần lưu ý không phải 100% trường hợp chích ngừa đều không mắc sởi mà nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn so với những trường hợp không chích ngừa.
 
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, hằng năm, TP.HCM thực hiện tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, đạt 96-97%. Tuy nhiên đến mũi thứ hai tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi chỉ đạt 60-70%, cho nên tỉ lệ bảo vệ cho trẻ bị giảm đi.
 
Theo bác sĩ Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ trẻ tiêm mũi sởi thứ hai chỉ đạt 60-70%. Thứ nhất là do việc phụ huynh quên lịch tiêm chủng mũi nhắc như mất sổ, di chuyển địa bàn dân cư, lo cơm áo gạo tiền. Thứ hai là sự trao đổi thông tin giữa y tế địa phương và phụ huynh vẫn chưa thực sự đầy đủ, hạn chế do nhiều điệu kiện khác nhau. Đặc biệt là trường hợp người dân là lao động nhập cư. Thứ ba là do có một số phụ huynh không muốn cho con em mình tiêm mũi nhắc lại 18 tháng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà muốn chờ lúc trẻ 3-5 tuổi để tiêm dịch vụ. Dẫn đến việc trẻ bị mất cơ hội tiêm mũi nhắc thứ hai để tăng cường miễn dịch, bảo vệ trẻ phòng chống sởi.
 
3.jpg
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là chưa được tiêm chủng, một số ít được tiêm chủng nhưng không đủ liều.

 

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, qua thống kế đánh giá thấy rằng hầu hết trường hợp mắc sởi là chưa được tiêm chủng, một số ít được tiêm chủng nhưng không đủ liều. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Phải làm sao để con em của mình được tiêm mũi phòng chống sởi là biện pháp hiệu quả nhất, an toàn.
 
“Chỉ có vaccine mới có thể ngăn ngừa được bệnh sởi, dịch sởi. Chúng tôi rất mong phụ huynh hãy đưa con em mình đi tiêm vaccine đúng lịch và đủ liều”, ông Dũng nói.
 
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, vaccine sởi hiệu quả và an toàn, gần như không thấy có phản ứng nặng sau tiêm. Nếu trẻ đã được tiêm đủ hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng thì phụ huynh vẫn có thể tiêm bổ sung để tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ.
 
“Vẫn có trường hợp trẻ đã được tiêm đủ những miễn dịch của trẻ đáp ứng không tốt cho nên qua thời hệ miễn dịch bị giảm đi, nếu tiêm bổ sung thì vẫn có vấn đề gì. Nếu phụ huynh không nhớ rõ tiền sử, cho dù trẻ đã được tiêm đủ 2 mũi rồi mà tiêm thêm 1 mũi nữa cũng rất tốt, không hề vấn đề gì mà chỉ tăng cường miễn dịch cho trẻ chống lại bệnh sởi”, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn