Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh xơ gan cổ trướng

13:05 | 04/10/2021;
Xơ gan cổ trướng là giai đoạn cuối cùng của xơ gan gây đau đớn, mệt mỏi cho người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Xơ gan cổ trướng là tên thường được gọi của xơ gan mất bù, giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Khi đến giai đoạn này, gan của bệnh nhân đã suy giảm chức năng ở mức tối đa, không còn khả năng phục hồi, thanh lọc và thải độc ra khỏi cơ thể.

1. Xơ gan cổ trướng là gì?

Để tìm hiểu xơ gan cổ trướng là gì, trước hết cần nắm rõ về căn bệnh xơ gan. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng về gan, xảy ra khi các mô gan bị thay thế bằng mô xơ và sẹo. Việc này khiến chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng.

Cổ trướng là tình trạng được hình thành do sự tích tụ dịch trong ổ bụng. Các tế bào gan, mô gan bị xơ hóa hoàn toàn khiến chúng không thể tổng hợp protein và máu. Từ đó gây tình trạng ứ đọng dịch, tăng áp lực và giảm tính thẩm thấu của mao mạch.

Hiện tượng phù nề ở xơ gan cổ trướng cũng là do lượng albumin trong máu giảm dần, khiến nước và các thành phần khác tràn vào khoang bụng.

Khi người bệnh xơ gan ở giai đoạn xơ gan cổ trướng, bụng sẽ phình to, chứa nhiều dịch, da căng lên và các mạch máu nổi rõ. Các dịch này có chứa 1 lượng lớn protein dạng albumin, màu vàng nhạt và gây áp lực vào bụng gây đau đớn, khó chịu.

Tổng quan về bệnh xơ gan cổ trướng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Xơ gan cổ trướng hay xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy bệnh nhân mắc xơ gan cổ trướng là do bẩm sinh. Đa phần các nguyên nhân gây ra bệnh có thể kể đến như:

- Nhiễm virus gây viêm gan mãn tính:

Các loại virus như viêm gan B và viêm gan C vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ dẫn đến xơ gan, và xơ gan cổ trướng là gian đoạn cuối với nhiều biến chứng nghiêm trọng.

- Nhiễm trùng máu:

Đây cũng có thể là một nguyên nhân gây xơ gan. Nhiễm trùng máu sẽ gây suy giảm miễn dịch, suy giảm chức năng gan và kéo dài dẫn đến xơ gan cổ trướng.

- Thường xuyên uống rượu bia, chất kích thích:

Những loại đồ uống có cồn này có rất nhiều ảnh hưởng xấu đến gan, đặc biệt là làm giảm chức năng gan rất dễ dẫn đến xơ gan cổ trướng.

- Cơ thể bị nhiễm các hóa chất độc hại:

Các hóa chất độc hại như thạch tín, asen... khi vào cơ thể người có thể làm gan quá tải chức năng giải độc của gan. Từ đó có thể dẫn đến xơ gan và khiến các bệnh về gan tiến triển nhanh, gây nguy cơ tử vong cao.

3. Xơ gan cổ trướng có chữa được không?

Do đây là giai đoạn cuối của xơ gan, vì vậy nếu bệnh nhân đã mắc xơ gan cổ trướng thì hầu như không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nguyên nhân là bởi gan đã bị xơ hóa nghiêm trọng, không còn chức năng giải độc cũng như khả năng tự phục hồi.

Để giải đáp xơ gan cổ trướng có chữa được không thì câu trả lời là: Thực tế, đến khi phát hiện tình trạng xơ gan cổ trướng xảy ra thì các phương pháp điều trị lúc này chỉ nhằm mục đích giảm đau đớn và ngăn chặn bệnh tiến triển, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

Thông thường, các trường hợp bệnh nhân mắc xơ gan cổ trướng sẽ đáp ứng điều trị, tuy nhiên ở một số bệnh nhân, khi cơ thể không đáp ứng với thuốc hoặc chế độ ăn uống không ổn định sẽ dẫn đến bệnh liên tục tái phát và nguy cơ biến chứng ung thư gan là rất cao.

4. Triệu chứng bệnh xơ gan cổ trướng

Do đã là giai đoạn cuối của xơ gan, triệu chứng bệnh lúc này thường khá rõ ràng và nghiêm trọng. Các triệu chứng xuất hiện với tần suất nhiều và diễn biến theo chiều hướng xấu bao gồm:

- Xuất huyết nội tạng: Với các biểu hiện đặc trưng là nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, đây là triệu chứng rất phổ biến của xơ gan cổ trướng. Thực tế khi được chẩn đoán mắc bệnh, có hơn 50% số bệnh nhân gặp tình trạng này. Điều này là do huyết áp tại các tĩnh mạch ở cửa gan tăng cao, tĩnh mạch dạ dày, ruột chịu áp lực lớn khiến chúng giãn ra, phồng lên, vỡ và gây xuất huyết.

Tổng quan về bệnh xơ gan cổ trướng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Bụng phình to do xơ gan cổ trướng (Ảnh: Internet)

- Trướng bụng, bụng phình to: Triệu chứng điển hình ở những bệnh nhân xơ gan cổ trướng là bụng phình to, chiếm đến 85% số bệnh nhân mắc bệnh. Bụng phình to, da bụng căng khiến các mạch máu dưới da nổi lên gây khó chịu, đau đớn. Đây là tình trạng khi bụng bị ứ dịch, nước và các chất như albumin không được thải ra ngoài mà tràn vào khoang màng bụng hình thành cổ trướng.

- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn: Bệnh nhân xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối thường giảm cân bất thường, thiếu máu, chán ăn, người mệt mỏi, sắc mặt kém… Đôi khi bệnh nhân cũng sẽ sốt nhẹ do gan mất chức năng giải độc, giảm sức đề kháng khiến cơ thể dễ dàng bị virus, vi khuẩn tấn công.

- Phù nề: Phù nề ở 2 chi dưới, thậm chí nặng hơn là phù nề toàn thân cũng là một trong số các triệu chứng bệnh xơ gan cổ trướng thường gặp. Nước và dịch do tế bào gan bị xơ hóa sẽ tích tụ lại khiến cho người bệnh bị phù.

- Vàng da, vàng mắt: Triệu chứng này rất dễ nhận thấy bằng mắt thường. Da, mắt, có thể cả móng tay, chân sẽ chuyển sang màu vàng nghệ.

- Não gan: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, xuất hiện ở xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối. Tình trạng này còn được gọi là bệnh não do gan. Nguyên nhân là do gan không loại bỏ độc tố, ứ đọng trong máu dẫn tới tình trạng nồng độ ammoniac trong máu và não tăng cao khiến người bệnh có những thay đổi về hành vi, mất dần ý thức, suy nhược cơ thể, mắt mờ, mệt mỏi…

- Các triệu chứng khác như viêm phúc mạc vi khuẩn do nhiễm trùng dịch báng, suy thận, thiếu máu, sao mạch trên da, môi, lưỡi, niêm mạc mắt nhợt nhạt, tiêu chảy, xuất huyết dưới da, phân nhạt màu giống đất sét… cũng có thể xuất hiện.

5. Chẩn đoán xơ gan cổ trướng

Để chẩn đoán cổ trướng, các bác sĩ có thể thực hiện siêu âm vùng bụng. Phương pháp này có thể phát hiện các chất lỏng có trong ổ bụng cũng số lượng chất lỏng có trong đó. Có thể cần xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh khác để tìm ra nguyên nhân gây ra cổ trướng. Ngoài ra, cũng có thể sinh thiết để tìm nguyên nhân. Các phương pháp sẽ được chỉ định bao gồm:

- Xét nghiệm máu, sinh thiết gan.

- Siêu âm ổ bụng,

- Chụp cắt lớp CT scan,

- MRI để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

6. Phương pháp điều trị

Khi đã ở giai đoạn này thì bệnh nhân không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn do gan đã bị xơ hóa. Các phương pháp điều trị xơ gan cổ trướng chủ yếu giúp bệnh nhân giảm đau đớn, ngăn chặn bệnh tiến triển ung thư gan. Một số phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

6.1. Sử dụng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn ít muối

Hiện nay trên thế giới có khoảng 90% số bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng đáp ứng với phương pháp điều trị sử dụng thuốc loại bỏ chất dịch thừa kết hợp với chế độ ăn ít muối. Các thuốc được sử dụng ở đây là thuốc lợi tiểu như spironolactone và furosemide. Chúng sẽ giúp loại bỏ chất lỏng tích tụ trong bụng và các bộ phận khác của cơ thể.

Tổng quan về bệnh xơ gan cổ trướng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 4.

Thuốc lợi tiểu kết hợp với chế độ ăn ít muối là ưu tiên hàng đầu trong điều trị xơ gan cổ trướng (Ảnh: Internet)

Những loại thuốc này cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng của cổ trướng có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc lợi tiểu để bệnh nhân sử dụng lâu dài nếu đáp ứng điều trị và kết hợp với giảm lượng natri hấp thu vào để ngăn ngừa tích tụ chất lỏng trong bụng, ngực bệnh nhân.

6.2. Chọc hút dịch cổ trướng

Chọc hút dịch là một thủ thuật được sử dụng để thu thập và loại bỏ các chất dịch thừa giúp xác định nguyên nhân gây ra chất lỏng tích tụ. Liệu pháp này sẽ được sử dụng nếu bệnh nhân:

- Tình trạng cổ trướng nặng gây khó chịu cực độ, bao gồm đau bụng và khó thở.

- Không đáp ứng với điều trị tiêu chuẩn bằng thuốc lợi tiểu và chế độ ăn ít muối.

6.3. Các phương pháp điều trị khác

Bên cạnh 2 phương pháp điều trị phổ biến như trên, đôi khi bệnh nhân cũng cần đến những liệu pháp khác như:

- Tạo đường thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong (TIPS): Đây là một phương pháp dùng để chuyển hướng dòng chảy của máu để giảm áp lực trong hệ thống tĩnh mạch cửa của gan.

- Ghép gan: Đây là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho người bệnh trong trường hợp các phương pháp khác không còn hiệu quả. Chi phí cho 1 ca ghép gan là rất tốn kém, nguồn hiến tạng cũng rất hiếm và khả năng đáp ứng của cơ thể sau ghép gan là những vấn đề mà bác sĩ và người bệnh cần cân nhắc.

7. Một số câu hỏi thường gặp

Bệnh xơ gan cổ trướng có lây không?

Nếu bệnh nhân mắc xơ gan cổ trướng do nhiễm virus viêm gan B, C thì khả năng lây nhiễm cho người khác rất cao. Nếu đã lây nhiễm thì khả năng tiến triển thành viêm gan mạn tính và xơ gan là rất cao.

Bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu và không lây lan trong không khí hay qua đường hô hấp, ăn uống. Do đó, để tránh lây nhiễm, không nên tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, không dùng chung các đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu…

Đối với các trường hợp còn lại, người bệnh mắc xơ gan cổ trướng do rượu, bia, thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất lâu ngày, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc không đúng cách thì bệnh không có khả năng lây nhiễm.

Xơ gan cổ trướng ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?

Xơ gan cổ trướng có thể ảnh hưởng cuộc sống theo hai cách: tác động tổng thể của nó đối với sức khỏe chung và biến chứng. Các tình trạng có thể gặp phải khi bị xơ gan cổ trướng bao gồm khó chịu, đau đớn, khả năng vận động bị hạn chế, luôn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn và khó thở.

Ngoài ra do tình trạng phình to bụng, người bệnh cũng có thể xấu hổ về ngoại hình dẫn đến hạn chế trong việc hoạt động và giao tiếp với người xung quanh.

Tổng quan về bệnh xơ gan cổ trướng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 5.

Cổ trướng gây ảnh hưởng đến ngoại hình khiến bệnh nhân tự ti trong giao tiếp (Ảnh: Internet)

Một cách khác mà xơ gan cổ trướng có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân là do các biến chứng từ tình trạng thực tế. Bao gồm:

- Nhiễm trùng ổ bụng do chất dịch: Tình trạng này có thể gây sốt, lú lẫn, không tỉnh táo và khiến người bệnh cảm thấy rất đau đớn, khó chịu. Đây là một biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn vì vậy nếu những triệu chứng này xảy ra, cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

- Các loại thuốc được sử dụng để giảm chất dịch trong cơ thể có thể gây ra những thay đổi về nồng độ muối và kali. Từ đó có thể dẫn đến nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng thận. Vì vậy, người bệnh cần phải xét nghiệm máu và theo dõi sức khỏe thường xuyên sau khi điều trị.

Làm thế nào để theo dõi tình trạng cổ trướng sau khi điều trị?

Tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau điều trị cần được giám sát một cách chặt chẽ. Người bệnh cần thường xuyên đo cân nặng và kích thước bụng để theo dõi thể tích của chất lỏng. Nếu xuất hiện sự thay đổi trọng lượng nhanh chóng có thể cho thấy sự mất hoặc tăng chất lỏng trong ổ bụng của bệnh nhân. Nếu cảm thấy cân nặng thay đổi rất nhanh, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra.

Trong khi sử dụng thuốc lợi tiểu để điều trị, bệnh nhân xơ gan cổ trướng cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi nồng độ muối và chức năng thận, vì thuốc lợi tiểu có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của thận. Nếu chỉ mới bắt đầu dùng thuốc, các xét nghiệm máu này cần được thực hiện thường xuyên hơn cho đến khi cơ thể đã quen với thuốc.

8. Phòng ngừa xơ gan cổ trướng

Đối với những người chưa mắc bệnh xơ gan, cần chủ động bảo vệ và phòng ngừa mắc bệnh. Chủ động thay đổi các thói quen sinh hoạt có hại, ăn uống điều độ và hợp lý. Hạn chế uống rượu, bia và các loại đồ uống có cồn. Hạn chế tiếp xúc hoặc làm việc thường xuyên với hóa chất độc hại như thạch tín, asen...

Với người bị gan nhiễm mỡ hay viêm gan, cần kiểm soát tế bào Kupffer, giảm tổn thương từ các chất gây viêm để ngăn ngừa bệnh diễn tiến thành xơ gan. Còn đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh xơ gan nhưng đang ở giai đoạn xơ gan còn bù, việc kiểm soát tế bào Kupffer càng đặc biệt quan trọng, nhằm hạn chế quá trình tăng sản sinh xơ sợi để hạn chế chuyển sang cổ trướng.

Bệnh xơ gan cổ trướng là căn bệnh nguy hiểm, khó hỗ trợ chữa nhưng nếu phát hiện để cải thiện sớm, đồng thời tuân theo chế độ ăn uống hợp lý, tránh làm những việc nặng nhọc có thể giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn