Nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bị sốt, chân tay lạnh đầu nóng

11:47 | 02/01/2023;
Thay vì người nóng, đổ mồ hôi nhiều, nhiều trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy chăm sóc trẻ sốt chân tay lạnh như thế nào?

1. Hiện tượng trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng là gì?

Theo bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, sốt là triệu chứng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng thay vì nóng khắp người thì trẻ bị sốt chân tay lạnh.

Có 2 trường hợp khiến trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng:

- Trường hợp 1: Sốt cao là một triệu chứng, tay chân lạnh là hệ quả của sốt. Đa số trẻ sốt tay chân lạnh nằm trong trường hợp này.

- Trường hợp 2: Sốt cao và tay chân lạnh là hệ quả của siêu vi. Siêu vi tấn công vào não bộ và các mạch máu nhỏ của tay chân của bé. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, bé có thể bị viêm màng não hoặc một tình trạng nhiễm trùng máu.

Vì vậy, cách tốt khi gặp trường hợp trẻ bị sốt cao tay chân lạnh, bạn phải mang trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác.

2. Các dấu hiệu của trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng

- Bé sốt cao liên tục (trên 39 độ C) và không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã uống thuốc hạ sốt. Có trường hợp sau khi bé uống thuốc hạ sốt xong toát mồ hôi.

- Trẻ quấy khóc liên tục và ra nhiều mồ hôi.

- Môi và má của trẻ sẽ hồng hơn bình thường hoặc có thể mặt sẽ bị tím.

- Chân tay lạnh trong nhiều giờ.

- Trẻ mệt mỏi, li bì, có thể xuất hiện các cơn lạnh run.

Những trường hợp trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi sốt cao trên 39 độ C.

- Bé lừ đừ, cơ thể mềm, ngủ li bì và khó đánh thức.

- Da nhợt nhạt, hoặc trẻ sốt cao da tím tái.

- Trẻ bú kém, bỏ bú, bỏ ăn và buồn nôn.

- Xuất hiện các cơn sốt cao rét run ở trẻ em.

- Môi và lưỡi khô, mắt và thóp trũng.

- Cổ cứng.

- Khi trẻ thở thấy bụng phình, ngực lõm.

- Nổi mụn nước, chấm đỏ trên da, chảy máu cam hoặc chảy máu lợi.

- Co giật.

Nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng - Ảnh 2.

3. Khi trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng thì chăm sóc thế nào?

Trẻ em sốt mà chân tay lạnh kéo dài nếu bố mẹ không xử lý kịp thời hoặc đưa bé thăm khám có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như trẻ bị mất nước, suy hô hấp, co giật hoặc đáng quan ngại hơn là di chứng não, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu sốt cao tay chân lạnh, bố mẹ nên có biện pháp xử lý hiệu quả và đưa bé thăm khám sớm để điều trị kịp thời.

- Trường hợp trẻ sốt dưới 38 độ C

Khi trẻ sốt dưới 38 độ C, bố mẹ không cần dùng thuốc hạ sốt. Thay vào đó, mẹ nên giữ cơ thể bé sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát và nghỉ ngơi nhiều. Ngoài ra, bạn cũng nên lau người bé bằng nước ấm và cho trẻ uống nhiều nước (đối với trẻ lớn) để giúp bé hạ thân nhiệt cũng như cảm thấy dễ chịu hơn.

- Trường hợp trẻ sốt trên 38 độ C

+ Nếu trẻ sốt 39 độ chân tay lạnh, bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt kết hợp lau người bằng nước ấm. Lưu ý, khi dùng thuốc hạ sốt, bố mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc.

+ Cho con uống điện giải Orserol để bù nước cho bé.

- Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng: Không nên cấm trẻ nằm yên một chỗ, nhưng cũng không cho trẻ hoạt động ngoài trời quá lâu. Mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, buổi trưa nên ngủ từ 1 – 2 tiếng để cơ thể được phục hồi. Ngoài ra, hãy cho trẻ vận động nhẹ nhàng, đi bộ quanh khuôn viên gia đình để đầu óc được thư thái, thoải mái.

- Không nên cạo gió hay bôi dầu khi con bị sốt: Làn da của trẻ rất mỏng manh, việc bôi dầu hay cạo gió sẽ tạo nhiều ma sát với nhiệt lượng lớn. Vì vậy sẽ dễ làm tổn thương da của trẻ.

- Không tự ý cho bé dùng thuốc: Tuyệt đối không tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa được chỉ định từ bác sĩ. Nhất là khi dùng các loại thuốc hạ sốt chứa ibuprofen hay aspirin.

- Bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ ăn đồ mềm dễ ăn, những món con thích... để bé tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn