Bệnh mề đay mùa thu là một bệnh thường gặp thuộc nhóm bệnh dị ứng mùa thu. Khi nhiệt độ không quá thấp kết hợp với độ ẩm cao khiến vi sinh vật, virus hay vi khuẩn có điều kiện phát triển thuận lợi và gây bệnh.
Người bị mề đay sẽ xuất hiện các nốt nổi mẩn dạng ban trên da, các vết ban có thể lan rộng gây ngứa ngáy. Ngoài da thì các bộ phận khác trên cơ thể cũng có thể bị tổn thương. Những nốt mề đay nổi thành từng đám, bạn càng gãi thì chúng càng lan rộng nhưng nếu không gãi lại rất khó chịu. Lâu dần, vùng da này bị tổn thương, lớp mề đay dày lên thành từng mảng, có dấu hiệu phù nề và sờ vào nóng bỏng.
Như đã nói ở trên, sự kết hợp giữa độ ẩm và nhiệt độ thay đổi từ mùa hè sang mùa thu chính là nguyên nhân khiến bệnh mề đay mùa thu phát triển. Tuy nhiên vẫn còn có những dị nguyên khác có thể gây ra, cụ thể như sau:
- Sự thay đổi nhiệt độ
Với những người có cơ địa nhạy cảm với sự thay đổi, chênh lệch nhiệt độ từ mùa hè sang mùa thu có thể gây ra các phản ứng kích ứng da và hệ miễn dịch.
- Độ ẩm không khí tăng
Khi độ ẩm không khí tăng lên, vi khuẩn hay nấm mốc có điều kiện phát triển thuận lợi hơn và gây ra các phản ứng dị ứng trong đó có mề đay mùa thu.
- Dị ứng phấn hoa
Bạn có thể bị ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi hoặc nổi mề đay khi tiếp xúc với phấn hoa của một số loại hoa dễ gây dị ứng.
Ngoài ra bạn cũng có thể bị nổi mề đay khi tiếp xúc với các yếu tố như hải sản, thuốc, lông động vật hay dị ứng tiếp xúc,...
Dị ứng mề đay có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần, tùy theo cơ địa và nguyên nhân gây dị ứng. Chẳng hạn như với người bị dị ứng thời tiết thì có thể bị nổi mề đay nhiều lần trong đời.
Do ảnh hưởng của mề đay có thể gây sẹo thâm ảnh hưởng tới thẩm mĩ hoặc cuộc sống của người bệnh nên bạn cần chủ động phòng tránh nổi mề đay mùa thu bằng các biện pháp dưới đây, nhất là những người có tiền sử dị ứng thời tiết có thể hỏi ý kiến bác sĩ để dự trữ thuốc trong trường hợp cần thiết.
Dọn dẹp nhà cửa
Để hạn chế việc tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng mề đay mùa thu, bạn không chỉ cần bảo vệ đường hô hấp hay cơ thể khi đi ra ngoài mà còn cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí. Hãy loại bỏ những khu vực ẩm ướt, vệ sinh lau rửa sạch sẽ hạn chế cho nấm mốc và vi khuẩn có môi trường phát triển.
Ngoài ra đừng quên vệ sinh màng lọc điều hòa hay máy lọc không khí. Điều quan trọng là giữ cho độ ẩm trong nhà ở mức phù hợp và sạch sẽ.
Hạn chế tiếp xúc, tránh xa những dị nguyên
Bởi dị nguyên là yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị mề đay mùa thu nên điều quan trọng bạn nên tránh xa chúng ra. Những dị nguyên, những chất có khả năng gây kích ứng bao gồm các hóa chất tẩy rửa công nghiệp, tẩy rửa gia đình (nhà vệ sinh, nhà tắm,...).
Bên cạnh đó, đừng quên có thiết bị thông gió trong nhà và lau sàn hút bụi thường xuyên cũng như giặt thảm, chăn, ga gối, vỏ sofa,...
Có chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn khoa học giúp tăng cường hệ miễn dịch và giữ ấm cho cơ thể là lời khuyên hữu ích giúp bạn tránh xa mề đay mùa thu hiệu quả.
Bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D hay vitamin B và các khoáng chất vào chế độ ăn hàng ngày. Đừng quên uống đủ nước để thúc đẩy quá trình trao đổi chất thuận lợi. Bạn cũng có thể uống 2 ly trà xanh mỗi ngày để các tế bào hệ miễn dịch được tăng sức đề kháng gấp 5 lần.
Tập thể dục đều đặn
Dù là mùa thu hay bất cứ mùa nào trong năm bạn cũng nên duy trì thói quen tập luyện thể dục đều đặn. Việc rèn luyện sức khỏe giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết và cải thiện sức khỏe của làn da khỏi mề đay mùa thu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn