Nhà văn được các độc giả nhí mến mộ |
Nguyễn Nhật Ánh từ trước tới nay không phải là người giàu có. Cho dù gần đây, những thông tin về việc cuốn sách “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của anh được in tới 100 ngàn bản, dự tính sẽ mang về cho nhà văn cả tỉ đồng, khiến Nguyễn Nhật Ánh được gắn nick name “nhà văn bạc tỉ”. Và bao nhiêu các tác phẩm khác đã được mua bản quyền dựng thành phim, bao nhiêu cuốn sách khác đều thuộc loại “gối đầu giường” của lũ nhóc, thì Ánh vẫn chân chất cả trong trang sách lẫn ngoài đời. Anh em văn nghệ Sài Gòn đã chứng kiến “Quán chợ Đo Đo” của gia đình anh từ lúc mới mở ở Thạch Thị Thanh, rồi chuyển về kế chợ Bến Thành, và sau đó mới ổn định trên đường Lương Hữu Khánh, Q.1. Nguyễn Nhật Ánh viết văn, bà xã bán quán. Nhưng thời gian đầu cũng chỉ “đắp đổi” qua ngày.
Chị Thu, bà xã của nhà văn, kể chuyện, chưa bao giờ ông chồng chị hỏi và biết trong nhà có bao nhiêu tiền. Anh gần như không quan tâm tới các con số của tiền bạc. Cứ nhận được khoản thu nhập nào, là ngoan ngoãn mang về “trân trọng biếu vợ” chừng ấy. Là nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh đã rất có ý thức giữ kỹ sự trong trẻo trong tâm hồn mình. Anh cũng tránh tối đa tất cả những cuộc tranh luận mất thời gian. Chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi ngồi lai rai vài ly cùng bạn bè, xỉn xỉn rồi thì về nhà đi ngủ.
2. Thời còn là cậu bé con, trong 1 gia đình nông dân tại thị trấn Hà Lam, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) hơn 50 cây số, Nguyễn Nhật Ánh mê sách khủng khiếp. Nhưng nhà nghèo, tiền mua gạo, mua rau còn phải tính toán, thì đâu có dư để mua sách. Thông thường, đám trẻ trong làng hoán đổi sách cho nhau. Nhưng khi đổi khắp lượt rồi, thì cũng hết, nên đành chịu nhịn chứ biết sao. Trong số bạn bè đồng trang lứa của Ánh có 1 cậu bạn nhà có tủ sách khá lớn, nhưng lại nhất quyết không cho ai mượn. Cứ tới giờ ra chơi, cả đám ngồi xung quanh để nghe cậu bạn ấy kể chuyện đã đọc cho nghe. Và để “trả công” cho người kể chuyện, thì tất cả phải gom tiền để mua bánh mỳ và cà-rem. Cả năm trời, cậu bạn ấy sống trong huy hoàng như vậy!
Vào năm học lớp 9, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh được ba chở vô nhà sách tại thành phố Tam Kỳ. “Nhìn các cuốn sách đẹp đẽ nằm ngay ngắn trên kệ, tôi đã không dám thở mạnh, và chân đi rón rén. Trước mặt tôi lúc đó chính là thiên đường tuyệt vời. Và cảm giác đó tới giờ vẫn khiến tôi ngộp thở mỗi khi nhớ lại”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện.
Trong suy nghĩ thơ ngây của cậu bé mê sách Nguyễn Nhật Ánh, các nhà văn chắc phải có 2 cái đầu, trong đó là 1 cái đầu thiệt bự thì mới có thể chứa nổi rất nhiều câu chuyện đến vậy. Và ước mơ của Ánh khi ấy là trở thành nhà văn, hoặc trở thành ông chủ tiệm bán sách. Nguyễn Nhật Ánh nuôi ước mơ ấy lớn dần và trở thành hiện thực. Sau này, anh vào Sài Gòn, viết báo và viết văn. Ít ai để ý, Nguyễn Nhật Ánh là cây viết bình luận thể thao với bút danh Chu Đình Ngạn trên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng. Cách viết của Chu Đình Ngạn về thể thao mà phảng phất kiểu kiếm hiệp nên bạn đọc rất khoái.
Nguyễn Nhật Ánh còn giữ mục “gỡ mối tơ vò” - làm anh Bồ Câu chuyên tư vấn chuyện tình cảm lãng mạn trên báo Thanh Niên. |
3. Căn nhà của Nguyễn Nhật Ánh cùng gia đình khá khiêm tốn, nằm trên đường Ấp Bắc, Q.Tân Bình, TPHCM. Diện tích nhà không quá rộng, nhưng nhà văn nổi tiếng này đã nuôi tới 5 chú chó. Chưa kể tới hồ cá nhỏ và chim chóc xung quanh. Nguyễn Nhật Ánh trồng khế, sứ, bông giấy, tre, chanh, ổi - những loại cây gắn bó với tuổi thơ nghèo khó của anh. Khi rảnh, nhà văn lang thang ngoài chợ mua cây su su, cây bông thiên lý về trồng. Niềm vui của anh, ngoài viết lách, chính là cứ sáng sáng ngủ dậy đi tưới cây, hồi hộp ra coi cây đã trổ lá thêm được chút nào chưa.
Nguyễn Nhật Ánh rất thích nuôi cún cưng |
Địa chỉ email của Nguyễn Nhật Ánh được sử dụng cụm từ rất dễ thương của tiếng Pháp: le petit prince. “Hoàng tử bé” có lẽ là tác phẩm văn học mà cậu bé Nguyễn Nhật Ánh thời nhỏ yêu thích. Và thực sự, với Nguyễn Nhật Ánh, anh cũng chính là 1 Hoàng tử bé.
Vóc người nhỏ nhắn, trẻ lâu, tâm hồn trong vắt như giọt sương ban sớm, Nguyễn Nhật Ánh là người bạn rất đáng yêu. Với các em nhỏ, “chú Ánh” còn gần gụi hơn rất nhiều, qua các tác phẩm tuyệt cú mèo: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Ngồi khóc trên cây”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Kính vạn hoa”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Trại hoa vàng”; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Chuyện xứ Langbiang”, “Có hai con mèo ngồi cửa sổ”, “Bồ câu không đưa thư”…