Mới đây (11/8), chương trình "Đời nghệ sĩ" đã lên sóng với sự tham gia của khách mời là ca sĩ Nguyễn Phi Hùng - ngôi sao ca nhạc đình đám những năm 2000. Tại chương trình, Nguyễn Phi Hùng tâm sự về sự nghiệp của mình.
Thu nhập của nghệ sĩ múa như tôi ở đoàn biểu diễn chuyên nghiệp không bằng thu nhập ở đám cưới
Trước khi trở thành một ngôi sao ca nhạc được nhiều người săn đón, tôi hoạt động nghệ thuật với vai trò là một nghệ sĩ múa ba lê. Để có được những giây phút thăng hoa trên sân khấu, người diễn viên múa phải khổ công tập luyện rất nhiều. Việc xảy ra những chấn thương, tai nạn nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi.
Đối với một diễn viên múa, từng động tác phải được thực hiện một cách chuẩn chỉ, đánh đổi bằng những giọt mồ hôi và những chấn thương. Nếu sàn trơn và không cẩn thận, việc trượt chân là điều đương nhiên. Người nghệ sĩ múa như tôi luôn sẵn sàng đối mặt với việc trật chân, bó bột, chườm đá cho vết thương mau lành. Diễn viên nữ còn phải thường xuyên đi giày mũi cứng, khi mở ra thì đôi chân không còn được bình thường.
Nhưng khi cảm nhận được những giá trị cao đẹp của nghệ thuật, tôi và mọi người đều sẵn sàng hi sinh cả bản thân, cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Tôi chỉ mong rằng, khán giả sẽ hiểu và cảm nhận được những gì mà người nghệ sĩ múa mang lại.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ múa như tôi cũng phải đối mặt với những sự cố ngoài ý muốn như rách quần, rách áo. Đó là những việc hết sức bình thường. Nhưng chúng tôi vẫn phải giữ được bình tĩnh và diễn tròn vai của mình. Sau mỗi tiết mục, người nghệ sĩ múa phải xả vai vì trước đó dùng rất nhiều sức, phải nghỉ ngơi một vài ngày để cơ bắp bình ổn trở lại. Đối với nghệ thuật múa ba lê, người nghệ sĩ múa phải bỏ hết tâm lực mới có thể hoàn thành được những điều mà khán giả mong muốn, nếu không sẽ bị khán giả bắt lỗi.
Gian nan và khắc nghiệt là vậy nhưng thu nhập của nghệ sĩ múa như tôi ở một đoàn biểu diễn chuyên nghiệp vẫn không bằng thu nhập của diễn viên múa cho các sự kiện, hội nghị, đám cưới.
Đó là sự hi sinh, sự yêu nghề của chúng tôi. Nếu không yêu nghề, chúng tôi đã không lựa chọn công việc này.
Nghệ sĩ múa như tôi thường rất kiệm lời nhưng kiên định. Họ biết giá trị lao động của mình nằm ở đâu và không muốn tô vẽ cho bản thân. Đôi khi, niềm đam mê ấy làm quên đi những nhọc nhằn thường ngày. Với bản thân tôi, nếu lúc đó đoàn không giải thể thì chắc chắn tôi vẫn còn gắn bó với đoàn.
Trong vô thức, tôi cứ đi ra đi vào nhà vệ sinh, làm nhiều người thắc mắc
Sau khi đoàn múa không còn hoạt động, tôi đi theo con đường ca hát và bất ngờ vụt sáng, trở thành một ngôi sao ca nhạc được nhiều người săn đón.
Lần đầu tiên đó, tôi vô cùng hoang mang và lo lắng tột độ vì chưa từng đứng trước hàng nghìn khán giả. Tôi nhớ hôm ấy, trời mưa và tôi nghĩ, chắc không xong rồi.
Ai ngờ nửa tiếng trước khi diễn ra buổi biểu diễn, khán giả từ đâu kéo đến đông nghẹt. Tim tôi bắt đầu loạn nhịp, ruột gan bồn chồn. Trong vô thức, tôi cứ đi ra đi vào nhà vệ sinh, làm nhiều người thắc mắc. Khi nghe tiếng nhạc vang lên thì tôi biết mình không còn đường rút, có hối hận cũng không được, nên đành ra sân khấu.
Dù rất hồi hộp nhưng nhờ kinh nghiệm làm diễn viên múa nên khi ra sân khấu, tôi kết hợp nhuẫn nhuyễn với vũ đoàn tạo nên một màn trình diễn đẹp mắt. Ở những tiết mục sau đó, tôi bình tĩnh hơn và bắt đầu quen dần với ánh đèn sân khấu. Tôi biểu diễn hết mình và nhận về những phản hồi tích cực.
Sau đêm diễn, tôi ngồi thừ người ra. Người quản lý và cả ekip cũng không nghĩ rằng mọi người có thể làm được một chương trình như vậy. Sau đó, dư luận cũng có nhiều phản hồi và góp ý về đêm diễn. Song, điều quan trọng là tôi đã vượt qua chính mình. Từ một người nhút nhát, tôi đã dám dấn thân vào một lĩnh vực mới. Tôi biết rằng, hành trình trở thành một người nghệ sĩ là hành trình rất dài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn