Kể từ khi ra đời, bé Mathis Thiên Từ - con trai Đan Trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Thiên Từ tạo ấn tượng lớn vì được di truyền nét điển trai của bố, sự thông minh nhanh nhạy của mẹ.
Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng "cậu ấm" nhà Đan Trường vẫn được mẹ uốn nắn rất cẩn thận. Ngoài việc học, doanh nhân Thủy Tiên đã xây dựng cho con trai một lịch trình sinh hoạt cẩn thận từ những bữa ăn, hoạt động thể thao, sử dụng vitamin cho đến giấc ngủ.
Doanh nhân Thủy Tiên tiết lộ: Dù bận đến mấy, Thiên Từ cũng phải đi ngủ trước 9h tối. Với lịch trình vui chơi, học bài và đi ngủ khoa học như vậy, không khó để hiểu vì sao Thiên Từ dù mới 6 tuổi nhưng đã sở hữu chiều cao đáng tự hào và thân hình khỏe mạnh.
Thực tế, không chỉ Thiên Từ mà nhiều nhóc tì showbiz cũng phải thực hiện nguyên tắc ngủ trước 9h tối để cao lớn hơn. "Nàng" Lọ Lem nhà MC Quyền Linh chính là một ví dụ. Dạ Thảo - bà xã Quyền Linh tiết lộ hai cô con gái có thói quen đi ngủ trước 9 giờ tối. Thói quen này đã được thực hiện từ khi còn nhỏ cho đến khi các bé học cấp 2. Hiện tại đang ở tuổi 16, Lọ Lem đã có chiều cao lý tưởng 1m70 và ngoại hình xinh đẹp, trong trẻo.
Trước hết, việc đi ngủ sớm trước 9h tối góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển thể chất của trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi (chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức): Nhiều cha mẹ cho rằng gen quyết định phần lớn chiều cao, song thực tế thói quen sống cũng tác động không nhỏ. Để con có một chiều cao lý tưởng, việc xây dựng cho trẻ một lịch trình ăn ngủ khoa học là rất cần thiết.
Bác sĩ Nhật Thi đánh giá, một giấc ngủ tốt cho chiều cao là ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Trẻ nên đi ngủ lúc 9h tối và muộn nhất là trước 10h đêm. Cha mẹ cần đảm bảo con ngủ sâu giấc trong khung giờ vàng (23h - 1h đêm) để giúp cơ thể tiết ra tối đa hormone tăng trưởng.
Ngược lại, việc thức khuya có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Pediatrics của Học viện Nhi khoa Koa Kỳ cho biết, thường xuyên ngủ muộn sau 9h tối có thể tăng nguy cơ béo phì ở trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một thiết bị đeo cổ tay để theo dõi hoạt động giấc ngủ của trẻ. Kết quả cho thấy rằng, những trẻ ngủ muộn sau 9h tối có chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng bụng lớn hơn. Đặc biệt, kết quả này xảy ra nhiều hơn trên trẻ có bố mẹ béo phì.
Sự thừa cân và béo phì do thức khuya ở trẻ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm, bao gồm đái tháo đường tuýp 2, cao huyết áp, cholesterol cao và nguy cơ mắc bệnh trước tuổi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ béo phì dễ phải đối mặt với stress, trầm cảm và mặc cảm tự ti. Chúng cũng dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt tại trường học và trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc thiếu ngủ còn làm tăng cảm giác thèm ăn, gây mệt mỏi và giảm hoạt động thể chất của trẻ. Nếu trẻ không ngủ đủ giấc, hormone leptin và ghrelin sẽ bị ảnh hưởng. Leptin được sản xuất từ các tế bào mỡ và thông báo cho não biết khi nào cần giảm cảm giác đói. Ghrelin được sản xuất từ dạ dày, kích thích cảm giác đói.
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi nói điều đầu tiên là cần ngủ sớm. Có thể cho trẻ ngủ ở tư thế nào thấy thoải mái nhất. Trước khi ngủ, cha mẹ có thể để trẻ vận động nhẹ để lưu thông máu tốt hơn và dễ ngủ hơn, cần tuyệt đối tránh xa máy tính, điện thoại cho trẻ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Cha mẹ cũng có thể đọc sách và hát cho bé nghe trước khi ngủ và cần tắt hết đèn trước khi ngủ để không tạo ra một giấc ngủ gián đoạn cho con.
Ngoài giấc ngủ, chế độ ăn và tập luyện cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên khuyến khích con chơi các môn thể thao tăng chiều cao, như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, xà đơn, cầu lông... Áp dụng cho con một chế độ ăn cân bằng, nhất là bổ sung các loại protein có trong thịt, cá, trứng, sữa, các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn