Nữ tu Lê Thị Kim Thùy cho biết, trung tâm điều trị phong Di Linh luôn dang rộng vòng tay đón tiếp các bệnh nhân mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Các bệnh nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, những bệnh nhân phong đang ở sâu trong rừng đều mang về chữa trị. Điều đáng nói là hàng chục năm qua, mặc dù các Nữ Tử Bác Ái sống giữa những người bệnh phong, gần gũi với họ hằng ngày nhưng chưa có ai bị lây lan.
Tại trại phong, các Nữ Tử Bác Ái thực hiện nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, đồng thời chăm lo đời sống cho người bệnh và gia đình của họ; quản lý và thực hiện chương trình loại trừ bệnh phong trong toàn tỉnh.
“Là những người con cái Thánh Vinh Sơn, với tâm nguyện ban đầu của Đức Cha Jean Cassigne, chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong sẵn sàng sống chết với họ. Ước mong chúng tôi được sự hỗ trợ, tạo điều kiện quan tâm của toàn xã hội để phục vụ tốt hơn”. Nữ tu Lê Thị Kim Thùy nói.
Hay tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, mỗi năm Phòng chẩn trị phục vụ từ bảy đến tám chục ngàn lượt bệnh nhân, cấp từ 700 - 800 ngàn thang thuốc trị giá khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Tất cả đều là miễn phí. Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An có thế mạnh trong điều trị các bệnh về gan mật, xương khớp, tiểu đường... đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, cuộc sống được an vui.
“Đồng cảm, sẻ chia, nhân ái, từ thiện" chính là nguyện vọng và là việc làm của người tu sĩ, do đó Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An còn thường xuyên kết hợp với các cơ quan, đoàn thể giúp các địa phương sửa đường, xây cầu giao thông nông thôn; tặng sách vở cho học sinh, trợ cấp học bổng, nuôi dạy trẻ mồ côi, người khuyết tật, cụ già neo đơn, tham gia xóa đói giảm nghèo…
"Nơi nào có khổ đau thì nơi đó có Phật giáo, chúng tôi luôn đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt màu da, chủng tộc”, Ni sư Thích Nữ Từ Tâm, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Phước An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ khẳng định.
Tại hội nghị còn có rất nhiều tham luận đại diện các tôn giáo báo cáo về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhìn chung các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về đăng ký hoạt động, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh...
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay trên toàn quốc có 60.000 cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức và cá nhân tôn giáo, trong đó bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền. Các cơ sở này đã phục vụ ước tính 710.261 lượt người khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và hầu hết là miễn phí. Năm 2018, số người được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa : 646.104 lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền : 1.158.620 lượt người; số người được cấp thuốc miễn phí tại các bệnh xá: 15.420 lượt người; người được cấp thuốc miễn phí tại các cơ sở khác: 123.000 lượt người.
Các cơ sở khám chữa bệnh tôn giáo tập trung ở các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Nam...
Từ năm 2015 đến 2018, một số tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền, vận động 1.975 người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não; 743 người đăng ký hiến xác. Có 219 người đăng ký hiến tặng mô, tạng là các nhà sư, linh mục, chức sắc tôn giáo.
Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ sở gồm: nguồn tự có của chủ cơ sở, nguồn trợ giúp từ các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn đóng góp của các đối tượng tự nguyện, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ngô Sách Thực nhấn mạnh: các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo cùng các tín đồ đã nhiệt tình, tích cực, có những mô hình hoạt động hay, thiết thực và đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng các cấp tổ chức thực hiện và duy trì thường xuyên liên tục các hoạt động nhân đạo - từ thiện trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, không phân biệt thành phần tín ngưỡng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, công tác an sinh xã hội tại địa phương trong thời gian qua.
“Sau Hội nghị này, Ủy ban MTTQ Việt Nam và ngành y tế các cấp cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tiếp tục phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, các bác sỹ, y sỹ, lương y, tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là những người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước ta”, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ngày 19/1, tại TP HCM, Bộ Y tế phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần... nhằm báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của các tôn giáo tham gia công tác chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng ở nước ta hiện nay. Dịp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế đã vinh danh và tặng thưởng bằng khen cho 35 cá nhân và tổ chức tôn giáo đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng. |