Cuốn sách vừa ra mắt độc giả vào đầu tháng 6/2024, nhân kỷ niệm 10 năm Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
+ Cơ duyên nào đã đưa bạn làm người chấp bút cuốn "Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình"?
Trong một lần lướt mạng xã hội, tôi vô tình xem được các đoạn clip ngắn do trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nguyễn Sỹ Công quay lại và đăng tải.
Những đoạn clip này được cập nhật thường xuyên, chia nhỏ thành nhiều câu chuyện về cuộc sống của người dân ở Nam Sudan, về hành động đẹp của người lính mũ nồi xanh khi khám và chữa bệnh cho người dân, hướng dẫn họ trồng trọt để có thêm nguồn lương thực, dạy học cho các em nhỏ...
Thế là tôi chủ động nhắn tin liên hệ, đề nghị anh kể cho mình nghe nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi cách Việt Nam hơn 8.500km.
+ Xin bạn cho biết nhân vật cuốn sách này truyền những cảm hứng gì?
Nguyễn Sỹ Công là một người lính trẻ đã có thời gian dài sinh sống, làm việc tại Nam Sudan. Với độc giả trẻ, tôi tin câu chuyện của Công sẽ phần nào trả lời được câu hỏi "Hòa bình là gì?", từ đó góp phần hun đúc tình yêu nước trong trái tim mỗi người.
Và sẽ rất tuyệt vời khi Lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam có thêm nhiều tân binh được truyền cảm hứng qua cuốn sách này, sẵn sàng tình nguyện đăng ký lên đường đến Nam Sudan, góp sức trẻ lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
+ Với bạn, việc chấp bút khó hay dễ?
Tôi đã từng chấp bút cho một số cuốn sách về nghề sáng tạo nội dung, blogger du lịch (nằm trong tủ sách Hướng nghiệp 4.0 của NXB Kim Đồng) nhưng đây là cuốn đầu tiên tôi chấp bút hoàn toàn từ đầu đến cuối.
Là một nhà báo có hơn 10 năm kinh nghiệm, việc ghi chép và biên tập nội dung với tôi không quá khó. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi phải dành nhiều thời gian để lắng nghe nhân vật kể chuyện, lắng lòng lại để quan sát nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau nhằm tìm ra cách khai thác, xây dựng nội dung sao cho phù hợp, làm toát lên vẻ đẹp của nhân vật.
Quan trọng nhất là phải truyền tải được tinh thần, thông điệp của người kể chuyện đến người đọc một cách trọn vẹn, chân thực, dễ chạm đến cảm xúc nhất.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Chẳng hạn, do chênh lệch múi giờ nên tôi phải thức khuya nhiều đêm để nhắn tin trao đổi nội dung với Công khi đó đang công tác ở Nam Sudan.
Sóng internet ở Nam Sudan rất yếu, nhiều khi gửi một đoạn text, một tấm hình mất vài tiếng đồng hồ đến cả ngày trời nên công việc cũng bị gián đoạn. Đến khi Công hoàn thành nhiệm vụ và trở về Việt Nam thì khâu hoàn chỉnh bản thảo mới được đẩy nhanh tiến độ để kịp ra mắt độc giả vào đầu mùa hè này.
+ Những cuốn sách của bạn thiên về phi hư cấu. Theo bạn, thể loại văn học phi hư cấu có gì hấp dẫn?
Với người đọc, những cuốn sách phi hư cấu sẽ kéo họ về thực tại cuộc sống và phần nào giúp họ nhìn ra vấn đề, gợi ý cách thức giải quyết. Hoặc có khi nội dung sách sẽ khơi gợi những suy tư, truyền cảm hứng để cả người đọc xây dựng quan điểm, tự tìm đáp án cho mình.
Với người viết, để có thể viết tốt ở thể loại này, họ phải tiếp xúc với một hoặc nhiều nhân vật, lắng nghe nhiều câu chuyện với những mảnh đời, hoàn cảnh sống khác nhau. Điều này góp phần làm phong phú chất liệu sống cho tác giả và gợi cảm hứng tốt hơn khi viết. Đó cũng là cách để họ được sống nhiều cuộc đời khác nhau trong đời thực.
+ Phóng viên, họa sĩ, tác giả dòng sách kỹ năng - bạn hứng thú ở công việc nào hơn?
Ở cả 3 công việc, tôi đều có sự hứng thú riêng. Việc viết báo giúp tôi cập nhật thông tin và làm mới mình mỗi ngày, nắm bắt nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi hiện nay. Việc viết sách, nhất là dòng sách kỹ năng, giúp tôi có thời gian lắng mình lại, chắt lọc những gì tinh túy để gửi đến độc giả.
Và khi đã đủ nội dung, phần cốt lõi bên trong rồi thì tự khắc mình sẽ có thêm ý tưởng để trình bày nó thành cuốn sách, trang báo sao cho hấp dẫn.
Ông bà mình hay nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" nhưng với tôi thì phần hình thức bên ngoài cũng quan trọng không kém so với nội dung bên trong. Vì hình thức trình bày là "cánh cửa" dẫn dắt người đọc đến với nội dung.
Nếu nội dung có viết hay đến mấy mà hình thức bên ngoài không đủ hấp dẫn thì cũng khó có thể thu hút, "giữ chân" độc giả ở lại với bài viết của mình. Việc tự thiết kế, trình bày sách, báo cũng giúp tôi chủ động hơn và có nhiều phương án lựa chọn để sáng tạo nội dung sao cho phù hợp.
Có như vậy sản phẩm của mình mới hoàn thiện một cách chỉn chu, tạo nét độc đáo để ghi dấu ấn trong lòng độc giả.
Chẳng hạn, trong cuốn "Sống xanh không khó", bên cạnh các trang nội dung, tôi còn thiết kế các trang nhật ký với những gợi ý hành động phù hợp để bạn đọc có thể tự rèn luyện thói quen sống "xanh" cho mình.
Hay trong cuốn "Bắn tim bí kíp chuẩn teen", những nội dung mang tính khoa học về tâm sinh lý tuổi mới lớn được tôi trình bày dưới dạng infographic với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, trực quan, thông tin cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ…
Điều này giúp cho các cuốn sách ký tên Nam Kha có sự khác biệt trên thị trường sách, được độc giả chú ý, đón nhận nhiều hơn.
+ Nam Kha có thể chia sẻ về dự án tiếp theo của mình?
Trong tương lai gần, tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của một nhà báo, tác giả sách ở công việc chấp bút này và đang đi tìm nhân vật phù hợp cho cuốn sách tiếp theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn