Nguyễn Thị Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm sinh ngày 3/1/1914, là con gái thứ của Tri huyện Gò Công Nguyễn Đình Trị. Ông Trị là một người nổi tiếng ở chốn quan trường, một cây bút trong làng báo và cũng từng là ông bầu của đội bóng đá Ngôi sao Gia Định lừng lẫy một thời. Thuở nhỏ, bà theo học trường nữ sinh Áo Tím (trường nữ Gia Long, Sài Gòn, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Năm 1931, tốt nghiệp bằng Thành Chung ban sư phạm, bà được giữ lại trường giảng dạy. Vừa dạy học bà vừa dấn thân vào nghề báo, một nghề khá mới mẻ, nữ giới rất hiếm hoi khi ấy. Bà thường xuyên cộng tác với tờ Phụ nữ Tân văn và lần lượt viết cho các tờ báo khác như: Công luận, Nữ lưu, Tuần lễ nay… Ban đầu bà là phóng viên thường viết các mục nhỏ với bút hiệu YM, Nguyễn Văn MYM.
Giữa năm 1931, sau 6 tháng bị đình bản, có lẽ vì loạt bài viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bài tố cáo ông phủ Lâm Thao Đỗ Kim Ngọc ăn hối lộ, Phụ nữ Tân văn tái bản và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh cho nữ quyền, cổ vũ lớp trẻ rèn luyện chữ quốc ngữ. Nguyễn Thị Kiêm xuất hiện trong thời kỳ này khi mới 17 tuổi nhưng có lẽ vì còn quá trẻ nên thi thoảng bà mới xuất hiện trên báo với một bài viết về nữ quyền.
Đầu năm 1932, nhà văn Phan Khôi đề xướng phong trào Thơ mới với bài thơ “Tình già” xuất hiện trên Phụ nữ Tân văn số 122 ngày 10-3-1932 khiến giới văn chương có nhiều ý kiến trái chiều. Hưởng ứng, nữ sĩ Manh Manh gửi thơ của mình đăng trên tờ Phụ nữ Tân văn, đồng thời viết nhiều bài báo và đăng đàn diễn thuyết ủng hộ phong trào Thơ mới. Nổi tiếng nhất có bài: Về lối thơ mới, diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26/7/1933 (Phụ nữ Tân văn, số 211, ngày 10/8/1933; số 213 ngày 24/8/1933) đã tạo tiếng vang lớn. Lúc này, tên tuổi bà sáng lên qua bút danh Nguyễn Thị Manh Manh hoặc tên thật khi ủng hộ Thơ mới và cổ vũ cho nữ quyền.
Sau đó, khi mạnh mẽ ủng hộ Thơ mới, bà bắt đầu nổi tiếng với những cuộc diễn thuyết, những bài viết về bình đẳng giới và Thơ mới. Không chỉ ở Sài Gòn, bà còn đi diễn thuyết ở Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Thậm chí báo Phụ nữ Tân văn còn mở hẳn mục Thơ mới bên cạnh mục Văn uyển đăng các loại thơ cũ.
Cuộc diễn thuyết của bà ở Hội Khuyến học Sài Gòn (SAMIPIC, tức Hội Nam kỳ trí đức thể dục, nay là số 606 Trần Hưng Đạo, quận 5), Hoài Thanh - Hoài Chân ghi nhận trong Thi nhân Việt Nam: “Từ hai tháng trước, hôm 26-7-1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết có đông người nghe như thế” (Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội 1988, trang 25).
Trong buổi diễn thuyết ấy, bà nói: “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất (không lớn lên nổi) thì rất cần phải có một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác hơn lối thơ xưa nên gọi là Thơ mới”. Và “chỉ mong lối Thơ mới được nhiều người để ý đến và nó có thể trở nên một lối thơ thông dụng để tả một cách thiết thực, rõ ràng những thi cảm của các nhà thi sĩ”.
Thơ mới với sự cổ vũ của Nguyễn Thị Kiêm đã tạo ra một cuộc tranh luận dài trên báo chí cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Không chỉ nói, bà còn sáng tác Thơ mới, những bài Hai cô thiếu nữ, Viếng phòng vắng... để lại ấn tượng mạnh mãi về sau.
Về nữ quyền, trong buổi nói chuyện ở Hội chợ phụ nữ ngày 26/5/1932 tổ chức tại vườn Tao Đàn, bà nói: “Đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà muốn cảm mến văn chương thì Nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm”.
Tại Huế, đêm 3/5/1934, trong bài nói chuyện “Dư luận nam giới với phụ nữ tân tiến”, bà nói: “Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình”.
Làm vậy là bởi khi ấy vẫn còn quan niệm: “Đến thế kỷ thứ 20 đàn bà An Nam lại có nảy sanh một số người quái gở! Họ vượt ra khỏi buồng the, chẳng theo lễ giáo cũ: họ cũng đi học đi làm như đàn ông. Họ tự do đi, đứng, nói cười, ra giữa công chúng vợt banh, đá cầu, lập hội hè, đến chỗ đông mà tranh cãi”. Tại hội quán Khai Trí Tiến Đức Hà Nội tối 8/9/1934 bà nói: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và người đàn bà ấy chỉ “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”.
Buổi nói chuyện tại Hà Nội của bà được báo chí Hà Nội ghi nhận: “Tối hôm thứ bảy vừa rồi, cái lối cô Kiêm lên diễn đàn, công chúng đã ồ ạt kéo đến hội quán phố Hàng Trống như nước chảy, lũ lượt bọn năm bọn ba, ông có, bà có, trai có, gái có, đến nỗi mấy bác nhà quê đi đường ngơ ngác hỏi nhau: họ đi xem hội gì đông thế?” (báo Đông Pháp). Tờ Ngọ Báo viết: “Trong nơi diễn đàn, ngày thường lỏng chỏng mấy bàn tổ tôm điếm, coi rộng thênh thang, hôm nay đà gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà, không một chỗ hở...”(Phụ Nữ Tân Văn số 259 ngày 20-9-1934).
Sự thành công của bà Nguyễn Thị Kiêm đã tạo ra một phong trào phụ nữ mới hết sức sôi nổi, thúc đẩy các bà tham gia nhiều hoạt động xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội.
Nguyễn Thị Manh Mạnh sáng tác tổng cộng 10 bài Thơ mới. Đáng tiếc, cuối năm 1934, tờ Phụ nữ Tân văn đình bản, bà mất chỗ dựa, phong trào cổ vũ Thơ mới và đấu tranh cho nữ quyền của bà bị xẹp xuống. Sau đó, bà trở thành một nhà báo bình thường cộng tác với một số báo đương thời. Sở trường của bà là phỏng vấn, tuy vậy, bà cũng viết nhiều bài phê bình, ghi chép, đặc biệt có loạt bài du ký: Cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, Hà Nội với mấy cái cảm tưởng đầu (Phụ nữ Tân văn số ra ngày 25/10/1934, 8/11/1934, 13/12/1934), Dưới chân đèo Cả (Phụ nữ Tân văn số 252/ 1934).