Nhà báo Trần Đăng Tuấn tiết lộ hậu trường đặc biệt của 'Ngày thầy trò'

09:33 | 20/11/2016;
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, MobiTV đang lên sóng một chương trình truyền hình trực tiếp kéo dài suốt 16 giờ, PNVN đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng đạo diễn, về chương trình.

Xin chào nhà báo Trần Đăng Tuấn, ông có thể chia sẻ một số thông tin về chương trình truyền hình marathon “Ngày thầy trò” của MobiTV?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Ngày 20/11, nếu có nhật ký đất nước ghi bằng hình ảnh thì đó là ngày của tình Thày - Trò. “Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn” là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Do vậy, MobiTV luôn mong muốn có một chương trình thật ý nghĩa để tôn vinh các nhà giáo. Bên cạnh đó, những vấn đề cấp thiết hôm nay của giáo dục cũng là điều cả xã hội quan tâm.

Việc tổ chức một chương trình truyền hình “marathon” 16 tiếng (từ 7h00 đến 23h00) như vậy cũng nằm trong ý định và kế hoạch của MobiTV. Chúng tôi mong muốn, bên cạnh việc sản xuất những chương trình truyền hình thông thường, sẽ tạo ra được sản phẩm có quy mô lớn, tạo ra độ tương tác xã hội cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nhân rộng sức mạnh qua việc kết hợp với các đài bạn, với hơn 30 đơn vị sản xuất và kênh sóng thuộc nhiều đài truyền hình trên toàn quốc cũng như huy động được sức mạnh từ bên ngoài lĩnh vực truyền hình như của các đơn vị viễn thông, của khán giả. Rất may, mong muốn của chúng tôi cũng tương đồng với ý định của VOV, và các đối tác trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông, nên đã dẫn tới sự ra mắt của “Ngày thầy trò”.

hien.JPG
NSND Thu Hiền và học trò - ca sĩ Lương Nguyệt Anh giao lưu với MC Nguyên Khang (Ảnh: Hải Dương)

Ông có thể tiết lộ chương trình “Ngày thầy trò” sẽ có gì đặc biệt? 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Trước hết, “Ngày thầy trò” là một chương trình mang tinh thần truyền hình thực tế (Reality TV), ghi lại nhật ký cuộc sống của đất nước bằng truyền hình. Trong ngày này, nhân vật chính sẽ là những người có liên quan đến giáo dục, từ thầy cô giáo, học sinh, các quan chức, nhà nghiên cứu, đại diện các giới trong xã hội... Nói một cách dễ hiểu thì chương trình là một cuốn nhật ký sống động, vẽ lên bức tranh chân thực, nhiều màu sắc về nền giáo dục Việt Nam.

Chúng tôi sử dụng đa dạng các thể loại báo chí truyền hình như: Phóng sự, tin tức, phỏng vấn, tọa đàm… đan xen với những tiết mục văn nghệ,  ca nhạc, phim tài liệu nhằm đem đến cho khán giả thêm nhiều cung bậc cảm xúc.

Việc sản xuất chương trình lớn như vậy có những gì đáng chú ý nữa?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Chương trình có số lượng rất lớn người tham gia, trải dài trên nhiều địa bàn khắp cả nước. Tất cả các điểm cầu đều phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe để đảm bảo chất lượng truyền dẫn tốt nhất. Việc tổ chức sản xuất cũng rất phức tạp, cần sự phối hợp ăn ý giữa rất nhiều bộ phận trong mỗi đài truyền hình, giữa các kênh khác nhau ở các đài khác nhau. Anh em MobiTV và VTC có trách nhiệm chủ trì làm đầu mối điều phối tất cả các hoạt động này. Tất nhiên, không một đài truyền hình nào, dù lớn đến đâu, đảm đương được hết các công việc của chương trình này. Do đó, việc huy động sức mạnh tổng thể của các đài có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi cho đây là ngày hội của những người làm truyền hình, là một chiến dịch chung mà mỗi đài, mỗi kênh là một “cánh quân” cùng góp sức vào thành công chung.

Chương trình cũng có một cánh cửa mở, để không chỉ những người làm truyền hình mà tất cả các thành phần xã hội đều có thể tham gia. Bởi là một dạng “nhật ký” của toàn dân, mọi công dân đều có thể tham gia bằng cách làm nhân vật, hoặc tự viết góp vào nhật ký đó. Khán giả có thể tương tác, gửi ảnh, video để tham gia chương trình. Khán giả ngay từ giờ có thể tham gia gửi lời chúc các thầy cô giáo qua điện thoại. Có thể gửi các ảnh chụp về đề tài Thầy - trò để dự cuộc thi ảnh đẹp. Chúng ta đều thấy rằng, trong xu hướng hiện nay, với việc rất nhiều người dân đã sở hữu những chiếc smartphone, cùng sóng wifi, 3G, tất cả mọi người đều có thể trở thành phóng viên, hoặc thậm chí “nhà sản xuất”. Công việc của người điều phối là kết hợp tất cả các sức mạnh đó để chương trình thêm quy mô. Tôi cho rằng khi có được sự tham gia tương tác của khán giả, chương trình sẽ trở nên thú vị và cuốn hút hơn, đặc biệt là trong một ngày mang nhiều ý nghĩa như 20/11.

ts3575301.jpg
 Ông Trần Đăng Tuấn với các em nhỏ vùng cao

 

unnamed-1.jpg
Ghi hình trước ngày phát sóng

Liệu “Ngày thầy trò” sẽ tạo tiền đề cho MobiTV tổ chức các chương trình tương tự?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Chúng tôi có mơ ước là có nhiều chương trình như nhật ký nhịp sống của cả đất nước trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là những thời điểm có ý nghĩa. Chúng tôi dự kiến “Ngày thầy trò” sẽ là một trong các “ngày truyền hình” trong khuôn khổ format chương trình “Ngày Việt” được tổ chức thường xuyên trên MobiTV. Theo đó, mỗi năm, MobiTV chọn một số dịp để thực hiện chương trình truyền hình đặc biệt. Chúng tôi hy vọng rằng các chương trình “Ngày Việt” sẽ nhận được sự đồng hành của thêm nhiều đồng nghiệp và sự hưởng ứng của đông đảo người dân! 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn