Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các tòa soạn báo. Thực tế, các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã hiện diện trong mỗi tòa soạn báo, có trong tay các nhà báo và can dự vào hoạt động tác nghiệp báo chí hằng ngày.
Trên các báo điện tử hiện nay, trong đó có Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam (phunuvietnam.vn), độc giả có thể lựa chọn "nghe đọc bài" được gắn ngay cạnh mỗi bài viết, với 4 giọng đọc khác nhau.
Thực tế, các tòa soạn không có phát thanh viên nào hằng ngày ngồi đọc tất cả các bài báo, mà công cụ AI đã tự động chuyển văn bản sang âm thanh. Các phóng viên hằng ngày đều được gợi ý về những từ khóa, những "trend" được quan tâm nhất và thế là AI đã gặp, đã tương tác với phóng viên trước khi họ gặp nhau.
Mỗi bài viết lại có các công cụ SEO tự động, giúp bài viết có thể tìm kiếm dễ dàng hơn trên các công cụ tìm kiếm.
AI không còn là khái niệm gì đó xa vời. AI với sự thông minh, đã trở thành công cụ làm thay một số hoạt động tác nghiệp báo chí. AI là một "trợ lí ảo", trợ giúp cho nhà báo, phát hiện và gợi ý đề tài cho nhà báo, đem các bài báo đến gần hơn với độc giả.
Từng có ý kiến cho rằng AI chỉ là công cụ copy, tổng hợp văn bản chứ không thể đủ năng lực như một nhà báo. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, AI đã rất nhanh thông minh hơn. Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để có thể tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video.
Nó "khôn" hơn các hệ thống AI như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) chỉ đưa đến kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới phong phú hơn.
Có vẻ như ngoài việc "sản xuất" bài viết thông thường, AI với những bước tiến của nó sẽ có cả khả năng sáng tạo, gần giống như một nhà báo đích thực. Một trang tin tức mang tên NewGPT đã được tạo ra để thử nghiệm. Đây là trang tin tức không có phóng viên mà tin, bài được viết hoàn toàn bởi AI.
Tuy nhiên, những mối nguy của AI cũng đã được chỉ ra. Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới như Apple, Samsung, Amazon đã hạn chế hoặc cấm sử dụng các chatbot AI, bởi nội dung do chúng tạo ra có thể chứa thông tin sai lệch, dữ liệu nhạy cảm hoặc trích dẫn trái phép từ các nguồn có bản quyền.
AI có thể tạo ra tin giả, AI cũng sẽ không kiểm soát và không chịu trách nhiệm về những gì chúng đưa ra. Rõ ràng, người lãnh đạo tòa soạn, các phóng viên sẽ là những người chịu trách nhiệm về thông tin, chứ không phải một phần mềm được tạo ra.
Trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, công nghệ sẽ là trung tâm và AI sẽ trở thành công cụ cho người làm báo. AI sẽ làm tốt được một số việc, thu thập và xử lý dữ liệu khi các tòa soạn hướng đến báo chí dữ liệu, tạo đầu ra tốt hơn trong truyền thông số.
Báo chí là ngành có đặc thù riêng, và cho dù công nghệ có phát triển tới đâu, con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định sự vận hành. AI không thể kiến tạo đạo đức báo chí và thiếu đi cảm xúc con người.
Chat GPT hoàn toàn có thể trả lời được các câu hỏi mà hằng ngày độc giả gửi đến cho chị Thanh Tâm nhưng thấu hiểu, sẻ chia với người gửi câu hỏi đến thì không.
Nếu có một vấn đề nào đó của một người phụ nữ, AI có thể phân tích được dựa trên cơ sở dữ liệu rằng đúng hay sai nhưng tìm đến họ, lên tiếng bảo vệ chân lý và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn thì chỉ có thể là những người làm báo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn