Nhà biệt thự, liền kề tại thị trường Hà Nội: Ế khách, bỏ không cỏ mọc nhưng giá vẫn tăng

16:48 | 18/08/2024;
Phân khúc nhà biệt thự, liền kề tại thị trường Hà Nội trong nửa đầu năm 2024 nằm trong tình trạng "bán không ai mua" nhưng giá vẫn tăng đều.

Giá tăng cao, thanh khoản không tốt 

Theo báo cao của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2024, giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án đều có xu hướng tăng so với quý trước. Việc tăng giá nóng tại thị trường căn hộ chung cư cũng đã có ảnh hưởng kéo theo giá nhà ở riêng lẻ, nhà liền kề tại các dự án và cả nhà ở tại các khu dân cư hiện hữu có xu hướng tăng lên. Trong báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình chung cho các phân khúc trong quý II/2024 là giao dịch sụt giảm, mức giá tăng cao. Tâm lý của người mua nhà là thận trọng, dừng mua trước những mức giá rất "ảo" của thị trường. 

Tại Hà Nội, giá bán bình quân của một số dự án biến động tăng so với các tháng của quy trước, cụ thể như: Iris Garden (Nam Từ Liêm) tăng khoảng 7,7% (lên mức 242,7 triệu đồng/m2), Vinhomes Riverside (Long Biên) tăng khoảng 9,4% (lên mức 244,7 triệu đồng/m2), Rue De Charme (Thanh Trì) tăng khoảng 9,3% (lên mức 259,9 triệu đồng/m2), HUD Me Linh Central (Mê Linh) tăng khoảng 8,4% (lên mức 53,1 triệu đồng/m2), KĐT Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) tăng khoảng 8,8% (lên mức 232,5 triệu đồng/m2).

Nhà biệt thự, liền kề tại thị trường Hà Nội: Ế khách, bỏ không cỏ mọc nhưng giá vẫn tăng- Ảnh 1.

Nhà biệt thự, liền kề tăng giá, giao dịch kém trong nửa đầu năm 2024

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán bình quân của một số dự án biến động tăng so với các tháng của quý trước, cụ thể như: Precia Riverside (Quận 2) tăng khoảng 8,6% (lên mức 203,8 triệu đồng/m2), Villa Riviera (Quận 2) tăng khoảng 6,6% (lên mức 385,0 triệu đồng/m2), River Park (Quận 9) tăng khoảng 6,2% (lên mức 111,4 triệu đồng/m2).

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà liền kề, biệt thự mới nổi bật trong quý II/2024 đến từ các dự án nằm ở các quận, huyện xa trung tâm. 

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý II/2024, phân khúc biệt thự, liền kề cho thấy tín hiệu phục hồi chậm. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch của phân khúc biệt thự, liền kề giảm 40% theo quý, với 111 căn được bán. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ đạt 18%. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ đạt 48%.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu của Savills, nhận định: ""Phân khúc biệt thự/liền kề tại các dự án chưa có dấu hiệu phục hồi, giá tăng ở mức cao, song thanh khoản không tốt. Giá biệt thự, liền kề ở ngưỡng cao ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và tính thanh khoản của thị trường".

Người mua nhà ngần ngại vì giá, nhà đầu tư không dám "ôm"

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà liền kề, biệt thự mới nổi bật trong quý II/2024 đến từ các dự án nằm ở các quận, huyện xa trung tâm. Trong báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng tồn kho bất động sản vẫn tăng.

Theo thống kê của Savills, trong một quý ế ẩm ở phân khúc này, đa số các giao dịch sơ cấp của nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội được ghi nhận ở quận Hà Đông với 61%, nhờ các dự án hạ tầng sắp hoàn thiện như đường Lê Quang Đạo, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024. Từ thời điểm hiện tại cho tới cuối năm 2024, nguồn cung sẽ tăng với mười ba dự án, cung cấp tổng cộng 2.951 căn, đa số sẽ ở quận Đông Anh với 34% nguồn cung tương lai, quận Hà Đông theo sau với 19% và quận Hoài Đức với 16%.

Nhà biệt thự, liền kề tại thị trường Hà Nội: Ế khách, bỏ không cỏ mọc nhưng giá vẫn tăng- Ảnh 2.

Căn biệt thự song lập đặt giá tại 1 dự án ở quận Hà Đông được cho thuê làm nơi thu mua phế liệu

Tình trạng hàng trăm căn liền kề, biệt thự xây xong, bán xong nhưng không được sử dụng là điều xảy ra tại nhiều dự án. Một số dự án nằm tại quận Hà Đông và Hoài Đức, nhiều biệt thự không người ở đã để không từ lâu, xuống cấp. Bên cạnh Công viên thiên văn học đã đi vào hoạt động là hàng chục căn biệt thự, liền kề bỏ trống, treo biển "bán nhà" từ rất lâu. 

Tại huyện Hoài Đức, hàng loạt biệt thự bên trong 1 khu đô thị vẫn trong tình trạng không có người ở nhiều năm. Nguyên nhân đến từ việc nhiều nhà đầu tư mua theo kiểu đầu cơ, chờ giá tăng rồi bán nhưng sau đó mắc kẹt. Giá của các biệt thự, liền kề này vẫn cứ tăng cao lên, nhưng không tìm được người mua. Trung Kiên - một môi giới - cho biết: "Có căn biệt thự lập kỷ lục rao bán đã 10 năm nay, chủ nhiều lần muốn bán nhưng lại dừng, rồi lại rao bán. Cứ rao bán mãi, giá đã lên gấp đôi so với trước nhưng chưa đổi chủ". 

Căn hộ, nhà ở riêng lẻ trong nội đô liên tục tăng cao. Việc cơ sở hạ tầng liên tục được hoàn thiện, kết nối tốt hơn, tàu điện trên cao đi vào hoạt động cũng đã tác động tới tâm lý người mua nhà. Chị Hồng Giang (quận Đống Đa) cho biết: "Nhà chung cư trong trung tâm giá lên quá cao, nhiều khu chung cư đã cũ nhưng giờ giá bán lên tới 80 - 100 triệu đồng/m2. Nhiều người như tôi có ý định tìm mua tại các dự án biệt thự, liền kề nằm xa trung tâm hơn, lái xe đi làm, di chuyển vào trung tâm hiện đã tiện lợi hơn nhiều. Tôi đã đi xem một vài dự án, thấy cả dãy liền kề không người ở, tôi cứ nghĩ với tình trạng thừa nhiều, rao bán lâu như này giá sẽ giảm nhưng không ngờ là so với thời gian trước lại tăng cao". 

Một nhà đầu tư cho biết hiện không dám "ôm" nhà liền kề dự án, do thanh khoản rất kém, mức giá lên cao nên "không còn nhìn thấy tiềm năng có lãi". Nhà đầu tư này cho biết để hoàn thiện một căn liền kề sẽ rất tốn chi phí, trong khi giá cho thuê chỉ ngang một căn chung cư trong nội đô, do các dự án nằm xa trung tâm, vẫn còn ít người về ở.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn