Nhà chồng yêu cầu giao tài sản chung sau khi chồng mất có đúng không?

15:27 | 12/12/2018;
Nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của hai bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Hỏi: Hai vợ chồng tôi kết hôn và cùng nhau tạo dựng tất cả tài sản hiện có của cả hai. Chồng tôi không may qua đời và chưa kịp viết di chúc. Lo sợ tôi sẽ lấy hết tài sản mà chồng tôi để lại, gia đình nhà chồng yêu cầu tôi phải giao cho họ quản lý tất cả số tài sản trên. Thưa Luật sư, yêu cầu của họ có hợp pháp không?
 
Quỳnh Trang (Cần Thơ)
 
photo-1-1530980313885927986179.jpg
Ảnh minh họa

 

Trả lời: Luật sư Đặng Thành Chung, Công ty luật An Ninh, cho biết:
 
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật HN&GĐ thì tài sản chung của vợ chồng bạn là tài sản do hai vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, được thừa kế chung hoặc những tài sản do hai vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của hai bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Tài sản chung của hai vợ chồng thuộc quyền sở hữu của hai người.
 
4d87jafa.jpg
Tài sản chung của hai vợ chồng thuộc quyền sở hữu của hai người
 
Tại Điều 66 Luật HN&GĐ quy định Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
 
1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
 
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
 
3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.
 
Theo quy định trên thì khi chồng bạn mất, bạn có quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng, việc gia đình nhà chồng đòi quản lý tài sản của vợ chồng bạn là không đúng pháp luật, trừ trường hợp chồng bạn có để lại di chúc chỉ định gia đình chồng bạn quản lý di sản thì gia đình chồng mới có quyền quản lý theo nội dung di chúc phần tài sản của người chồng.
 
Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự thì cha mẹ chồng bạn có quyền thừa kế tài sản từ chồng bạn để lại. Cha mẹ chồng bạn còn sống và yêu cầu chia thừa kế trong vòng 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm chồng bạn chết thì họ sẽ được hưởng di sản thừa kế của chồng bạn (1/2 khối tài sản chung của vợ chồng bạn). Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
 
Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 66 Luật HN&GĐ nêu trên thì nếu như yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ chồng bạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bạn hoặc của gia đình bạn thì bạn có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản của mỗi người nhưng chưa cho chia trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn