Nhà dài Ê Đê: Kiến trúc thể hiện quyền lực của phụ nữ

12:25 | 31/03/2023;
Ngôi nhà cứ thế dài thêm ra mỗi khi có thành viên trong gia đình lấy chồng. Ngôi nhà tượng trưng cho sức mạnh của người phụ nữ mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ con cháu nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Ngôi nhà dài nhất trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà chúng tôi ghé thăm là không gian sống điển hình của một gia đình mẫu hệ ở Đắk Lắk. Ngôi nhà dài hơn 40 m. Nhà dựng năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H'Đách Êban làm năm 1967 ở Buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nhà dài là nơi cư trú của cả gia đình, càng đông người nhà càng dài. Theo tài liệu tại Bảo tàng Dân tộc học, xưa kia từng có những nhà dài gần 200m. Nhà có các cửa sổ thoáng cách đều nhau để thông khí và lấy ánh sáng.

Nhà dài Ê đê: Kiến trúc thể hiện quyền lực của phụ nữ - Ảnh 1.

Ngôi nhà dài hơn 40 m, dựng năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H'Đách Êban làm năm 1967 ở Buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Dù phục dựng, ngôi nhà vẫn giữ được hướng Bắc – Nam theo tập quán cổ truyền Ê đê. Đầu nhà quay về phía Bắc, có cửa chính đón khách. Cầu thang lên nhà dài thường có hai cái, gọi là cầu thang đực và cầu thang cái.

Cầu thang cái (phải) thường được trang trí bằng hình trăng khuyết và hình hai bầu ngực, thể hiện tín ngưỡng phồn thực và chế độ mẫu hệ. Đây là cầu thang dành cho phụ nữ và khách. Cầu thang còn lại thô mộc, nhỏ hơn, dành cho đàn ông.

Nhà dài Ê đê: Kiến trúc thể hiện quyền lực của phụ nữ - Ảnh 2.

Cầu thang lên nhà dài thường có hai cái, gọi là cầu thang đực và cầu thang cái

Không gian nhà dài Ê đê theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt: Từ cửa chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 hay 2/3, gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk.

Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, hoặc những người vì lý do nào đó rời nhà vợ về ở nhà mẹ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý. Nếu gia chủ giàu có thì ở phòng khách người ta bày rất nhiều đồ dùng như ché rượu cần, cồng chiêng, nồi đồng… là những tài sản rất có giá trị với người Ê đê. Nếu số lượng những đồ vật này càng nhiều thì có thể hiểu rằng đây là một gia đình rất giàu có.

Nhà dài Ê đê: Kiến trúc thể hiện quyền lực của phụ nữ - Ảnh 3.

Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, hoặc những người vì lý do nào đó rời nhà vợ về ở nhà mẹ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý

Diện tích phần Ôk theo chiều dọc phía Đông là những buồng ngủ cho từng cặp vợ chồng, có phên ngăn. Khi ngủ, người Ê đê thường quay đầu về hướng đông. Đầu tiên là buồng của vợ chồng gia chủ, tiếp đến là buồng gia đình con, cháu theo thứ tự từ con cả cho đến con út. Cuối cùng là gian bếp.

Sau nhà cũng có sân và cầu thang nhỏ, phục vụ cho các sinh hoạt gia đình. Đây thường là nơi tắm rửa, nấu ăn.

Nhà dài của người Ê đê được xây dựng chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại. Riêng mái thường lợp bằng cỏ dày trên 20 cm. Phần sàn cao hơn mặt đất chừng 1m, dưới để thoáng chứ không chăn nuôi như nhà sàn ở miền bắc.

Đặc biệt, các họa tiết trang trí thể hiện tín ngưỡng phồn thực và uy quyền của mẫu hệ (hình ảnh bầu ngực) được đẽo gọt ở hầu hết cột, kèo trong nhà dài.

Các họa tiết trang trí thể hiện tín ngưỡng phồn thực và uy quyền của mẫu hệ (hình ảnh bầu ngực) được đẽo gọt ở hầu hết cột, kèo trong nhà dài

Nhà dài là nét đẹp văn hóa rất tiêu biểu của dân tộc Ê đê. Ngôi nhà mang những giá trị, sắc thái mang đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống từ ngày xưa cho đến bây giờ. Nhà dài Ê đê đã góp phần quan trọng làm đa dạng hơn cho truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa người Việt Nam. Nơi đây không chỉ là nơi ở mà còn là không gian gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Ê đê.

Là người Ê đê, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam H'Hen Niê rất tự hào về nguồn gốc mình. Cô từng chia sẻ, người Ê đê sống theo chế độ mẫu hệ và con gái có truyền thống lập gia đình sớm. Khi tìm hiểu về văn hóa Ê đê, bạn không nên bỏ qua kiến trúc nhà dài, nơi phản ánh rõ nét cuộc sống của những người dân như H'Hen Niê suốt hàng trăm năm qua.

Chị H'Hoa, một người dân đang sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk thì cho biết: "Sinh sống ở nhà dài Ê đê chúng tôi được tận hưởng cuộc sống đầm ấm, yên vui trong một đại gia đình. Tối đến, cả nhà quây quần ở Gah nghe ông kể chuyện cổ tích về người Ê đê nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, nghe bà, mẹ hát những làn điệu dân ca Ê đê mượt mà, sâu lắng. Nghe anh chị đánh cồng, nhảy múa...".

Xưa kia, mỗi nhà có chiều dài trên 100 mét, thường ví "dài như tiếng chiêng ngân", nhưng ngày nay chiều dài của ngôi nhà chỉ phổ biến từ 25 - 30 mét. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh còn khoảng hơn 5.600 căn nhà dài truyền thống của người Ê đê. Tỉnh Đăk Lăk cũng đã có nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng; trong đó có tuyên truyền, bảo tồn văn hóa nhà dài.

Cùng với niềm tự hào về ngôi nhà dài truyền thống của mình, người Ê đê cũng còn nỗi niềm riêng khi những ngôi nhà dài Ê đê ngày càng xuống cấp và cứ dần vắng bóng trong buôn. Xu thế bê tông hóa nhà cửa nên nhà dài Ê đê đúng nguyên bản của nhà dài truyền thống với chất liệu là gỗ, nứa, mái tranh đã có dấu hiệu mai một. Vì thế, việc phục dựng bảo tồn kiến trúc giá trị văn hóa nhà dài Ê đê là việc làm cấp thiết rất cần sự sự chung tay của các cấp chính quyền cũng như đồng bào Ê đê.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn