Hỏi: Tôi được biết Bộ LĐ-TB&XH vừa có thông tư quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ với giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Vậy tiêu chuẩn cụ thể thế nào? Những giáo viên đang giảng dạy nếu chưa đủ tiêu chuẩn chuyên môn thì xử lý thế nào?
phuongoanhnguyen...@gmail.com
Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, yêu cầu về bằng cấp đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng như sau:
- Nhà giáo dạy lý thuyết phải có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy.
- Nhà giáo dạy thực hành phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy để dạy thực hành trình độ cao đẳng sau:
+ Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên.
+ Chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên.
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương.
- Nhà giáo dạy tích hợp phải đáp ứng 2 tiêu chuẩn sau:
+ Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;
+ Có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy để dạy thực hành trình độ cao đẳng kể trên.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/3/2021.
Trong thông tư có quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
+ Đối với những ngành, nghề đã ban hành đề thi, kiểm tra, đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực (10/3/2021) thì nhà giáo phải hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề quy định tại Thông tư này trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
+ Đối với những ngành, nghề có đề thi, kiểm tra, đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được ban hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực thì nhà giáo phải hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề quy định tại Thông tư này trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ban hành đề thi, kiểm tra, đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn