Nhà giáo dục 3 lần được đề cử giải Nobel

19:30 | 30/08/2016;
Bà Maria Montessori - người khai sinh ra phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng thế giới từng 3 lần được đề cử nhận giải Nobel vào các năm 1949, 1950 và 1951.
Bà Maria Montessori sinh ngày 31/8/1870 tại thị trấn Chiaravalle, nước Ý. Cha bà là một quân nhân còn mẹ là một cô giáo nghiêm khắc. Vào cái thời mà phụ nữ chỉ cần viết được tên mình đã là tự hào thì mẹ bà quả là người hiếm có. Chính mẹ là người có ảnh hưởng lớn đến niềm đam mê tri thức sau này của bà. Mẹ bà luôn nhấn mạnh giá trị của sự cố gắng làm việc và tầm quan trọng của việc giúp đỡ những người bất hạnh khác. Bà còn giao nhiệm vụ phải làm mỗi ngày cho Maria Montessori là may vá quần áo cho những người nghèo khổ.

Hồi nhỏ, Maria là một cô bé tự tin, lạc quan. Khi Maria 5 tuổi, gia đình bà đến sống ở Rome. 6 tuổi, bà bắt đầu đến trường học và giành được khá nhiều giải thưởng vì thành tích học tập xuất sắc. Bà rất hiếu học. Tuy không phải là một học sinh có tài năng bẩm sinh nhưng bà luôn đạt được những thành tích cao trong các kỳ thi. Mẹ là người luôn cổ vũ bà trong học tập và vô cùng vui mừng khi 12 tuổi bà quyết định theo học tại trường kỹ thuật với tất cả các môn học như tiếng Pháp, lịch sử, địa lý, toán học, khoa học. Thành tích học tập của Montessori tại trường mới cũng xuất sắc không kém và bà tốt nghiệp vào năm 1890.
2.jpg
 Chân dung bà Maria Montessori
Năm 1886, bà vào học tại Viện Tecnio Leonardo Da Vinci. Tại đó, bà học ngôn ngữ hiện đại và khoa học tự nhiên. Mặc dù toán học là ngành bà yêu thích nhất nhưng khi sắp tốt nghiệp bà lại quyết định học y. Bố bà kịch liệt phản đối quyết định đó còn trường Đại học Rome thì không cho phép nữ giới học y. Bà tìm đường vào trường bằng cách thi vào khoa toán, vật lý và khoa học tự nhiên. Bà miệt mài học tập để giành kết quả thuyết phục khiến nhà trường phải chấp nhận cho bà học y khoa. Bà trở thành người phụ nữ Ý đầu tiên theo học ngành y.

Năm 1896, bà bảo vệ luận án tốt nghiệp trước hội đồng 10 người đàn ông và tất cả đều bị luận án của bà thuyết phục. Bà tốt nghiệp loại ưu và trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của nước Ý.

Maria làm bác sĩ điều trị rồi bác sĩ phụ mổ. Ở vị trí nào bà cũng hết lòng vì người bệnh. Bà là người được lựa chọn đại diện cho phụ nữ Ý tham gia 2 hội nghị quốc tế phụ nữ tại Berlin và London trong các năm 1896 và 1900. Bà cũng dành nhiều thời gian cho các công trình nghiên cứu ở Đại học Rome trước khi tham gia đội ngũ nhân viên tình nguyện của đại học này.

Năm 1901, khi quan sát những trẻ em mà bà đã tiếp xúc khi khám bệnh cho chúng, bà thấy rằng bọn trẻ đa số bị ức chế tâm lý vì nền giáo dục gò bó ở trường học thời bấy giờ. Bà bèn ngưng hành nghề y khoa, trở lại đại học để học thêm khoa tâm lý và triết lý giáo dục. Năm 1904, bà tốt nghiệp khoa tâm lý giáo dục ở Đại học Rome.

Chính những hoạt động tình nguyện đã đưa bà đến bước ngoặt ngạc nhiên trong đời. Trong một lần đến thăm một viện tâm thần, bà gặp những trẻ em kém phát triển trí tuệ không thể đến trường. Từ đó bà mong muốn làm gì đó để giúp đỡ các em. Bà bắt đầu nghiên cứu về trí não.

Với khao khát được giúp đỡ trẻ em, Montessori từ bỏ công việc của mình tại trường Đại học Rome vào năm 1906. Vào thời điểm này, ở San Lorenzo có khá nhiều cặp vợ chồng phải đi làm suốt cả ngày và không có thời gian trông con. Nắm bắt cơ hội này, bà thành lập nhà trẻ đầu tiên vào tháng 1/1907 với tên gọi “Casa dei Bambini” hay còn gọi là “Children House”.

Bà đã tạo cho các em nhỏ một môi trường để các em có thể thể hiện những khả năng của mình. Bà xây dựng nhiều hoạt động khác nhau cho bọn trẻ và đặt các học cụ phù hợp với chúng vào lớp học. Bà nhận ra rằng khi trẻ được tiếp xúc với môi trường có những hoạt động hỗ trợ, quá trình phát triển tự nhiên của chúng sẽ đưa đến những kết quả đáng kinh ngạc. Chính những phát hiện thú vị ở bọn trẻ đã thúc đẩy bà theo đuổi việc cải cách giáo dục.

Maria tin rằng trẻ em thường không bộc lộ hết khả năng của chúng vì vậy người lớn không đánh giá đúng khả năng của trẻ. Bà cho rằng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu trẻ, hiểu chiều sâu tâm hồn, khả năng tiềm tàng và quy luật phát triển của trẻ.

Qua quan sát thực tế, Maria nhận thấy trẻ dễ dàng tiếp thu hiểu biết từ môi trường xung quanh như thế nào. Bà khám phá ra rằng, khi có được tự do ở một mức độ nào đó, trong một môi trường có chuẩn bị với những hoạt động đa dạng, trẻ em từ 4 đến 6 tuổi tự giác học đọc và viết, tự chọn các công việc hơn là chỉ chơi và phát triển đời sống xã hội thực sự qua làm việc cùng nhau. Từ những phát hiện quan trọng đó, bà quyết tâm nghiên cứu, lập ra phương pháp giáo dục trực quan, dành cho trẻ sự tự do quan sát và sáng tạo trong học tập gọi là phương pháp Montessori.

Bà viết tác phẩm Trẻ tự học (Children Teach Themselves) nêu ra các nét chính của phương pháp giáo dục Montessori.
1.jpg
 Bà là người đã nghiên cứu, quan sát trẻ em để cho ra đời phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng thế giới.
Năm 1913, bà sang Mỹ gặp hai nhà khoa học Alexander Graham Bell và Thomas Edison là hai nhà sáng chế lừng danh của Mỹ đều tự học. Bà càng thấy lý thuyết giáo dục của mình là đúng. Bà hợp tác với vợ chồng Graham Bell lập ra Hiệp hội Giáo dục Montessori (Montessori Educational Association) ở Washington D.C, Mỹ. Tiếng tăm của bà lan nhanh ở Mỹ và châu Âu.

Năm 1915, bà lại sang San Francisco mở một lớp sư phạm theo phương pháp của bà tại Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) và Hiệp hội Mẫu giáo Quốc tế (IKU). Lớp sư phạm này được con gái của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson là bà Margaret Wilson ủng hộ và tài trợ. Phương pháp Montessori nhanh chóng lan nhanh từ San Francisco ra toàn nước Mỹ, tạo nên một làn sóng giáo dục mới hết sức cởi mở, tự do.

Năm 1919, đến lượt Chính phủ Anh mời bà qua London. Năm 1922, bà được Chính phủ Ý mời làm Chánh thanh tra Giáo dục Quốc gia, thực hiện nhiều cải tổ giáo dục rất thành công.

Những năm 1934, bà bất đồng chính kiến với nhà cai trị độc tài Mussolini nên rời bỏ nước Ý, qua sinh sống ở Tây Ban Nha, rồi năm 1936 lại chuyển qua Anh. Sau đó, năm 1938 bà lại chuyển qua Hà Lan và được Chính phủ nước này trọng dụng, mời bà đứng ra thành lập Trung tâm Giáo dục Laren rất nổi tiếng. Năm 1940, bà được Chính phủ Ấn Độ mời qua giảng dạy nhiều khóa sư phạm tại các trường đại học ở New Delhi. Chính các khóa sư phạm này đã đào tạo một lớp các nhà giáo dục có nhiều cải cách quan trọng cho Ấn Độ, góp phần đưa nền giáo dục của nước này trở thành nền giáo dục tự do tiên tiến, tạo ra nhiều nhà khoa học nổi tiếng nửa sau thế kỷ XX.
 
Năm 1947, bà trở về sống tại Anh, lập ra nhiều trung tâm giáo dục mang tên bà, nổi tiếng nhất là Trung tâm Montessori ở London.

Maria Montessori qua đời ngày 6/5/1952 tại Noordwijk, Hà Lan - nơi sinh sống cuối cùng của bà cùng  con trai Mario Montessori, cũng là một nhà giáo dục lỗi lạc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn