Nhà hộ sinh bó tay vụ ‘trao nhầm trẻ 42 năm trước’

14:45 | 10/03/2016;
Sau khi có thông tin về việc trao nhầm trẻ ở Nhà hộ sinh Ba Đình 42 năm trước, cán bộ Nhà hộ sinh đã vào cuộc tìm kiếm nhưng hồ sơ lưu không còn, hỏi những người liên quan đều không có manh mối.
Chị Trang (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng bà Hạnh và người em gái


Sáng 10/3, trao đổi với PV Báo PNVN bà Vũ Thị Thu Hằng, Phó phụ trách nhà hộ sinh Ba Đình (Hà Nội), cho biết: Cán bộ nhà hộ sinh đã vào cuộc nhưng việc tìm kiếm người con thất lạc cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh không có kết quả.

Bà Hằng cho biết, trong năm 2015, bà Hạnh đã 3 lần tìm đến nhà hộ sinh Ba Đình nhờ giúp đỡ tìm lại người con thất lạc 42 năm trước. “Bà Hạnh đã rất khổ tâm, nhiều đêm không ngủ và luôn bị dày vò vì đứa con thất lạc mấy chục năm trời chưa được tìm thấy. Cũng là một người mẹ, chúng tôi hiểu được nỗi lòng của bà Hạnh. Bản thân tôi cũng như cán bộ ở đây sau khi biết được câu chuyện này đã vào cuộc ngay. Chúng tôi đã lần theo nhiều manh mối nhưng vì sự việc đã quá lâu, hồ sơ không còn một thứ gì lưu lại, việc tìm kiếm đến nay chưa có kết quả”.

Cũng theo bà Hằng, nhà hộ sinh Ba Đình có lịch sử lâu đời, từ thời chiến tranh chống Pháp. Trước đây, nhà hộ sinh nằm ở Hàng Bún, sau chuyển về ngõ Bùi Viện (phố Phan Huy Ích ngày nay). Năm 1997, mới chuyển về số nhà 12 phố Lê Trực. Trước đây, nhà hộ sinh Ba Đình có rất nhiều người đến sinh con. Thời đó sinh con còn phải theo tuyến. Trung bình một ngày có 30-40 ca sinh. Cao điểm có lúc lên đến 80 người. 

Nhà hộ sinh Ba Đình ngày nay tại phố Lê Trực

Nữ hộ sinh trưởng Đỗ Thị Hà, người làm việc tại nhà hộ sinh Ba Đình từ năm 1985 đến nay, cho biết: Trước đây, khi sinh con, mẹ và bé được tách riêng ra, cứ sau 3 tiếng đồng hồ hai mẹ con mới được gặp nhau khi cho con bú. Để tránh thất lạc, mẹ và bé sẽ được đánh dấu bằng mực vào chân. Cách đánh dấu có phần “thủ công” đó vẫn tồn tại cho đến đầu những năm 1990.

Vì bé và mẹ không được ở gần nhau, thêm vào đó là cách đánh số rất thủ công nên theo bà Hằng có thể đây là nguyên nhân dẫn đến việc bà Hạnh bị trao nhầm con. Suốt từ năm 2015, khi biết được câu chuyện lạc con của bà Hạnh, lãnh đạo nhà hộ sinh Ba Đình đã lục lại tất cả hồ sơ lưu nhưng hồ sơ từ năm 1974 không còn. Lãnh đạo nhà hộ sinh Ba Đình cũng đã tìm gặp những cán bộ từng công tác vào thời điểm bà Hạnh sinh con nhưng manh mối về vụ việc vẫn chưa có.

Theo bà Hằng, bây giờ chỉ chờ đợi người con thất lạc của bà Hạnh hoặc bố mẹ người đó lên tiếng. Chỉ có cách đó bà Hạnh mới mong tìm được con. Thế nhưng, liệu người con thất lạc đó có khai sinh đúng ngày tháng năm sinh, bố mẹ liệu có còn sống hay không...  “Chúng tôi cũng đã cố hết sức nhưng không thể giúp gì cho bà Hạnh”, bà Hằng nói.

Nghe trao đổi của bà Vũ Thị Thu Hằng, Phó Nhà hộ sinh Ba Đình:


Như báo PNVN đã thông tin: Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi), nhà ở 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết. Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình (ở phố Phan Huy Ích). Bà Hạnh mang số 33, nhưng sau đó nhận được đứa trẻ mang số 32. Ngay lúc đó bà Hạnh đã thắc mắc nhưng được nữ hộ sinh cho biết là đó là số 33 nhưng bị mờ do tắm nên khi ghi lại bị nhầm. Sau này bà Hạnh vẫn nghi ngờ nên đã đi xét nghiệm AND thì chính xác người con có tên là Tạ Thị Thu Trang không phải là con ruột của bà Hạnh. Mong muốn trước lúc nhắm mắt sẽ tìm được đứa con thất lạc nên mới đây bà Hạnh đã đưa câu chuyện lạc con của mình lên các phương tiện truyền thông.

      

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn