Tọa đàm "Thành phố Hồ Chí Minh làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" do Học viện Cán bộ TPHCM vừa tổ chức. Gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia uy tín đã tham dự và có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết.
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - nêu lại một số nội dung trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 25/11/2024 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong chuyên đề, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi, phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; các luận cứ để xác lập mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đã quán triệt những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và những việc cần làm ngay.
Trên cơ sở đó, nội dung Tọa đàm sẽ bàn về các giải pháp để TPHCM không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo, tiếp tục tạo ra bước đột phá, thành tựu mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM - cho rằng, TPHCM cần phải có giải pháp đối với các "điểm nghẽn". Bởi thành phố được xem là "đầu tàu" kinh tế của cả nước thì không thể để tồn tại tình trạng "kẹt xe, ngập nước" triền miên.
Nguyên Phó bí thư Thành uỷ đưa ra 3 ý kiến và mong muốn được thực hiện sớm: Đó là, TPHCM phải phát triển theo hướng giao thông công cộng, giảm bớt phương tiện cá nhân, phải làm nhanh, quyết liệt. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nhiều năm TPHCM vẫn chưa thể giải quyết được. Thứ ba là vấn đề nhà ở cho người dân, đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo, công nhân, người lao động.
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội - cho rằng, kỷ nguyên vươn mình là thời kỳ mà dân tộc Việt Nam dành nỗ lực hết mình, nắm bắt xu hướng phát triển thời đại, khẳng định vị thế của mình trong khu vực và thế giới; nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đến năm 2045 chúng ta sẽ trở thành nước phát triển với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với TPHCM, TS Trần Du Lịch góp ý: cần nhanh chóng định hình được mô hình chính quyền đô thị và xa hơn là phải xây dựng được Luật cho một đô thị đặc biệt. Từ nay đến năm 2035, TPHCM cũng sẽ tham gia vào quá trình hoàn thành đề án đường sắt quốc gia và mở rộng kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân - Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động - cho rằng TPHCM cần phải xây dựng thương hiệu của thành phố. Theo PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân, thương hiệu thành phố là tập hợp các giá trị, đặc điểm và trải nghiệm độc đáo, tạo nên bản sắc riêng và sức hấp dẫn cho thành phố. Theo đó, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân đề xuất, TPHCM cần xây dựng công trình thương hiệu dựa trên bản sắc riêng, lịch sử - văn hoá - con người năng động sáng tạo; mang được sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, có câu chuyện riêng. PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân cũng đề xuất câu khẩu hiệu cho TPHCM là: "Nơi khát vọng thăng hoa".
Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế TPHCM phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đã minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Tuy vậy, TPHCM cần tiếp tục tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để nhanh chóng tháo gỡ "điểm nghẽn", từ đó phát huy sự bứt phá, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn