“Nhà khoa học của thực tiễn sản xuất”

22:22 | 02/01/2021;
Đó là cách gọi mà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dành cho nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân, người đã không ngừng sáng tạo, cả cuộc đời vì khoa học.

"Nữ tướng" trên thương trường

Lật giở tư liệu của mấy chục năm trước, những bài viết về nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân tràn ngập trên các mặt báo. Không chỉ báo chí trong nước mà nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài như AFP, CNN, BBC... cũng viết về chị. Đó là chuyên san giới thiệu về 36 danh nhân nữ của 7 nước Đông Nam Á, trong đó có Nguyễn Thị Anh Nhân ở Việt Nam. Hay cuốn sách "Who's who of the Asian Pacific Rim" (tạm dịch: Những người tiêu biểu châu Á-Thái Bình Dương) được xuất bản ở Hoa Kỳ 1997 đã khắc họa tiểu sử của 3.588 cá nhân có ảnh hưởng nhất châu Á-Thái Bình Dương; cuốn sách "Added Value" (tạm dịch: Giá trị gia tăng) được xuất bản tại Australia năm 2000 giới thiệu 69 danh nhân hàng đầu Đông Nam Á đều có tên Nguyễn Thị Anh Nhân.

Với cương vị "nữ tướng" trên thương trường, chị rất quyết liệt để cho ra những sản phẩm mới và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều báo chí trong nước và ngoài nước đã ca ngợi chị như: Nhà khoa học nữ "gặt hái" thành công nhờ không ngừng sáng tạo; con người của sáng tạo; cả cuộc đời vì khoa học; "nữ tướng" trên thương trường... Chị đã có 52 công trình và sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận.

Khi chị nhận giải thưởng Kovalevskai, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gọi Nguyễn Thị Anh Nhân là "nhà khoa học của thực tiễn sản xuất".

Tại lễ gặp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Hoàng Văn Phong, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, nay là đặc phái viên của Chính phủ về Khoa học-công nghệ, đã nhận định: "Chị Anh Nhân là nhà khoa  học đáng được kính nể, kính trọng và là nhà khoa học xuất sắc, bởi chị đã có nhiều đóng góp, nhiều công trình đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao cho đất nước. Chị cũng là người quản lý xuất sắc và nhà sản xuất giỏi". Nhiều người khi gặp và tiếp xúc với chị đều có suy nghĩ rằng đó là một người phụ nữ giàu nghị lực và sức sáng tạo.

“Nhà khoa học của thực tiễn sản xuất” - Ảnh 1.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (trái) và nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân trong Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc

5 lần cứu nhà máy thoát khỏi nguy cơ giải thể

Lần đầu tiên khi chị làm ở nhà máy miến (Bộ Công Nghiệp Nhẹ), sản xuất miến đậu xanh theo công nghệ của Trung Quốc, sợi miến có độ dai, treo trên dây trong sân rộng nhiều hecta rồi xuất xưởng. Khi chiến tranh xảy ra, đậu xanh được dùng làm giá đỗ thay rau xanh phục vụ các chiến sỹ trên mặt trận. Chị lại nghiên cứu sử dụng các loại lương thực khác như ngô, khoai, sắn đạt chất lượng tương đương như đậu xanh. Nhà máy được Bí thư tỉnh Cao Bằng lúc đó nhận chuyển về tỉnh Cao Bằng để sản xuất, vì ở đấy là vựa ngô, khoai, sắn và sản xuất trở lại phục vụ nhân dân.

Lần thứ hai, Bộ chuyển chị về Viện Công nghệ Thực phẩm. Chị đã xin về nhà máy của Hà Nội. Gọi là nhà máy nhưng thực chất chỉ là một cơ sở sản xuất nước chấm thủ công, điều kiện vật chất nghèo nàn, môi trường làm việc không đảm bảo an toàn. Trước tình hình ấy, chị đã tìm cách cải tiến toàn bộ dây chuyền sản xuất và trang bị thiết bị hiện đại, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân không kém gì cơ sở tại Tiệp Khắc mà chị có dịp đi tham quan. Khi nhà máy hóa chất của Việt Trì bị đánh phá, không có a-xít để sản xuất, chị lại nghiên cứu phương pháp hóa giải sang phương pháp vi sinh. Nhà máy trở lại sản xuất.

Lần thứ ba khi Trung Quốc cắt viện trợ đậu tương, không còn nguyên liệu chính để sản xuất, chị lại nghiên cứu chuyển sang lấy hạt bo bo do Liên Xô viện trợ làm nguyên liệu sản xuất, đạt chất lượng tốt hơn đậu tương và nhân dân không phải ăn bo bo.

Lần thứ tư khi xóa bỏ bao cấp, chị đã tìm đường để xuất khẩu hàng ngàn tấn nước chấm sang Liên Xô cũ.

Lần thứ 5 khi Liên Xô sụp đổ (1991), đồng chí Đỗ Vòng, Bí thư Đảng ủy nhà máy lúc đó, cho rằng: "Lần này bà Nhân chắc hết cách, nhà máy tùy nghi di tản". Chị đã tìm cách cùng đội ngũ kỹ sư và công nhân tay nghề cao nghiên cứu sản xuất nhiều mặt hàng đưa ra thị trường như: Rượu chanh, vải thiều sấy khô, kẹo, bia Việt Hà, bia Halida… Chấm dứt thời bao cấp, nhà máy là đơn vị nộp ngân sách cao nhất của thành phố.

Từ một kỹ sư mới ra trường, chị lần lượt được bổ nhiệm là tổ trưởng nghiên cứu, phó phòng, trưởng phòng rồi Giám đốc, Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp, thực phẩm vi sinh.

Vào nghề với tấm bằng kỹ sư, chị không tự mãn mà luôn khiêm tốn, học hỏi kinh nghiệm của công nhân có tay nghề cao, tìm hiểu kiến thức qua sách báo, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã thành công. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, chị đã thu xếp để làm sao vừa làm tốt công việc cơ quan vừa chăm lo cho con nhỏ khi chồng đi công tác xa. Từ một cán bộ kỹ thuật rồi được đề bạt làm phó phòng, trưởng phòng, quản đốc phân xưởng, bà đi lên bằng năng lực của mình.

Từng nghe nhiều về nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân nhưng khi gặp, tôi phát hiện thêm nhiều điều thú vị về chị - nhà khoa học nữ không ngừng sáng tạo, cả cuộc đời vì khoa học. Chị có nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị trong sản xuất nên khi TS. Nguyễn Đức Khiển, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, đề nghị làm đặc cách tiến sỹ cho chị vì theo tiêu chuẩn, chỉ cần một bằng lao động sáng tạo là được tiến sỹ trong khi chị có 12 bằng.

Giữ gìn kỷ luật nhà máy

Có một câu chuyện chị nhớ mãi khi quản đốc phân xưởng báo cáo có một công nhân uống 1 lon bia rồi ném vỏ lon vào góc phân xưởng. Hành động đó của người công nhân đã vi phạm nội quy nghiêm cấm uống bia trong giờ làm việc. Bấy giờ, chị bảo quản đốc phân xưởng cho người công nhân đó có thời gian thay quần áo, ăn trưa xong rồi ra khỏi nhà máy. Chị quan niệm, kỷ luật nghiêm minh là nền tảng giữ vững ổn định và phát triển nhà máy. Quá trình làm giám đốc, chị từng kỷ luật một số công nhân vi phạm kỷ luật nhưng sau đó vẫn tìm cách bố trí việc làm khác nhằm đảm bảo thu nhập cho họ.

Ngoài lo nghiên cứu, sản xuất, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên chức, chị còn rất quan tâm đến công việc từ thiện, hỗ trợ con em các gia đình liệt sĩ, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc ca cam... Nhiều mảnh đời bất hạnh đã được chị giúp đỡ như ông Đào Văn Bìa bị mù 2 mắt, cụt 2 tay, ở Thái Bình, được chị hỗ trợ tiền hàng tháng. Đến khi ông Bìa qua đời, chị cấp tiền hàng tháng nuôi con của ông.

Hạnh phúc viên mãn

Tuy công việc bận rộn nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian để chăm sóc gia đình. Những lúc chồng đi công tác xa, một mình chị lo nuôi dạy các con chu đáo. Hai cậu con trai chăm ngoan, học giỏi, sớm biết tự lập khi mẹ không có nhà. Chồng chị là nhà khoa học, cũng là thầy giáo mẫu mực giỏi nhiều ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung. Hai con trai của anh chị đều thành đạt, hiện nay đều là hàm Thứ trưởng. Cháu nội Nguyễn Ngọc Bảo Lâm, 26 tuổi, đã làm Tổng Giám đốc Ecotek. 

Nhà khoa học Nguyễn Thị Anh Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Halida, Ủy viên Thường vụ Hội Nữ trí thức Việt Nam, từng đoạt 4 giải thưởng uy tín: Huy chương vàng tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Huy chương Danh nhân (của Tổ chức Who's who, Mỹ); Quỹ Giáo dục Mỹ (AEF) tran tặng bằng Tiến sĩ danh dự và Giải thưởng Kovaleskaia cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn