Chiều 7/9, Cung Thiếu nhi Hà Nội phối hợp cùng Hội Truyền thông TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm Tết Trung thu cổ truyền - Gìn giữ, phát huy và lan tỏa với mong muốn để các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục cùng chia sẻ những ý kiến về việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền.
Tham dự chương trình có nhà sử học Dương Trung Quốc; Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS. Vũ Thế Long - Chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa; nhà văn Lê Phương Liên; ông Phan Đăng Long - Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà báo Vũ Tuyết Nhung; nhà thơ Nguyễn Thị Bích Ngọc…
Đặc biệt chương trình còn có sự tham gia của 2 nghệ nhân đồ chơi dân gian: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền 83 tuổi và đã có hơn 60 năm làm đèn kéo quân; nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh 73 tuổi, người vẫn miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột.
Trong khuôn khổ chương trình trưng bày gần 30 bức ảnh về Trung thu Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm. Các bức ảnh là những câu chuyện về các đồ chơi Trung thu, cách đón Trung thu của người Hà Nội sau năm 1945.
Trung thu luôn là điều thật tuyệt với trẻ nhỏ
Em Nguyễn Bình Nguyên, học sinh lớp 10 D3, THPT Chu Văn An - giải Nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU tâm sự: "Vốn nói tới Trung thu là nói tới những rộn ràng của nhịp trống tùng rinh rinh; nhưng cùng cái chữ "Trung thu" ấy, mỗi người sẽ lại gọi ra trong đầu mình những hình ảnh và xúc cảm thật khác nhau - khác đến mức có khi chẳng ai nghĩ chúng cùng nhân một dịp.
Nhưng có thế nào, Trung thu vẫn là điều thật tuyệt với trẻ em dù ở bất cứ nơi đâu. Nó tạo ra niềm vui, sự háo hức về một lễ hội hẳn là dành riêng cho mình. Nó không phải chỉ là một ngày, một buổi tối mà niềm vui bọn trẻ tìm thấy ở suốt hành trình chuẩn bị và hóng đợi. Nhìn vào Trung thu, người ta sẽ thấy cả một tuổi thơ, cũng thấy cả thế giới tinh thần của con người. Trung thu, với mỗi chúng ta đều giống như "mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh" kỳ diệu.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ những câu chuyện, ký ức, nghiên cứu về Tết Trung thu cổ truyền qua những góc nhìn khác nhau: Làm thế nào để đồ chơi Tết Trung thu vừa giữ gìn, tiếp nối được yếu tố truyền thống mà vẫn thu hút được trẻ em hiện đại với các cách thức khác như chuyển động, vật liệu hiện đại; Sự tế nhị khi tổ chức chấm thi mâm cỗ Trung thu để tạo nên sự công bằng, văn minh; Về những nét văn hóa đẹp cần gìn giữ, lan tỏa…
Nhà sử học Dương Trung Quốc kể về Tết Trung thu xưa qua những câu chuyện và những bức ảnh sưu tầm. Ông tâm sự: "Ở cái tuổi mình, ngại nhìn nhận xung quanh mà vẫn thích "hồi cổ". Bởi lẽ, Trung thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình.
Với người làm nghề lịch sử, ký ức không chỉ là trải nghiệm mà còn có cả những gì đã đọc được trong sách vở. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi vẫn là một bài "tập làm văn" của một học trò nếu còn sống thì hôm nay đã 128 tuổi và viết cách đây đã 115 năm (1907). Đó là bài Trung thư của trò Nguyễn Văn Xuân, học tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng ở phố Hàng Đào gắn với tên tuổi Cụ Cử Lương Văn Can.
Đọc lại bài văn trên Đăng Cổ Tùng Bảo cách nay đã hơn trăm năm chứa đựng nhiều tri thức (cả ngôn từ) về đời sống liên quan đến ngày Tết Trung thu ở Hà Nội với các đồ chơi, trò vui, tích truyện hay phong tục tập quán của người xưa. Nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất. Nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm giáo dục cho con cái nhà mình đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui…
Ký ức tuổi thơ cũng chính là một phần của tết Trung thu dành cho người lớn vậy...".
TS Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đề cập đến các nghệ nhân làm đồ chơi dân gian - những người đã góp phần "giữ lửa" cho Trung thu xưa để trẻ nhỏ ngày nay có thể hiểu rõ và tham gia những trò chơi dân gian thú vị.
Theo TS Vũ Hồng Nhi, những tâm huyết, nỗ lực của các nghệ nhân, thợ thủ công làm đồ chơi trong nhiều năm qua đã góp phần giữ và truyền lửa cho Tết Trung thu cổ truyền. Tuy nhiên, cũng rất cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức văn hóa trong việc giới thiệu và tổ chức các hoạt động đón Tết Trung thu cho trẻ em với những đồ chơi, trò chơi dân gian có tính giáo dục cao để những giá trị cốt lõi của Tết trẻ em này sẽ được tiếp tục gìn giữ, lan tỏa và không ngừng nhân lên.
TS Vũ Thế Long nhận định, những năm gần đây một số nơi trong nước đã tổ chức lễ hội Trung thu trong đó có những hoạt động thi xe hoa trung thu không kém gì các nước có Carnaval truyền thống mà Tuyên Quang với Lễ hội đèn lồng rất thành công là một ví dụ. Theo ông, nên tổ chức hội Trung thu trong nhiều tỉnh thành vì đây là một giá trị văn hóa sẽ có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa du lịch ở nước ta".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn