Nhà thiết kế Nhật Bản Kobayashi Eiko, đồng thời là nhà sáng lập và chủ tịch của tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận Be-Japon. Bà đã mang sự kết hợp đầy màu sắc của trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật Bản - Việt Nam vào Kimono - Aodai Fashion Show.
Trong dịp phụ nữ Việt Nam trên toàn quốc hưởng ứng "Tuần lễ Áo dài" 2023, nhà thiết kế Kobayashi Eiko đã có những chia sẻ thú vị về sự sáng tạo của mình.
- Bà được biết đến là nhà thiết kế kimono cách tân nổi tiếng của Nhật Bản và từng tổ chức các buổi trình diễn ở hơn 15 quốc gia. Đâu là lý do thôi thúc bà lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình quảng bá văn hóa truyền thống của Nhật Bản ra thế giới?
Từ lâu tôi đã được nghe và tìm hiểu về đất nước Việt Nam. Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, đặc biệt tà áo dài của người Việt đã mang đến cho tôi nhiều niềm cảm hứng, thôi thúc tôi thiết kế nên những trang phục từ những chất liệu kimono quen thuộc.
Cơ duyên may mắn đã đưa tôi đến đây và vinh dự khi được tổ chức show thời trang tại Việt Nam vào đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, mang tới trải nghiệm thú vị về sự giao thoa văn hóa giữa 2 quốc gia thông qua thời trang.
Trong buổi trình diễn, chúng tôi đã giới thiệu Junihitoe, một loại trang phục cung đình truyền thống của Nhật Bản ra đời cách đây hơn 1000 năm và vẫn đang được hoàng gia Nhật Bản bảo tồn. Chúng tôi cũng đã giới thiệu những bộ kimono cổ đã ra đời cách đây hơn 100 năm. Từ cách đây 20 năm, tôi đã bắt đầu sử dụng vải kimono để thiết kế nên những bộ trang phục mới như một phương pháp để bảo tồn các bộ kimono cổ đang dần mất đi.
Những bộ áo dài làm từ vải kimono được trình diễn trong Kimono - Aodai Fashion Show chính là những tác phẩm mới nhất mà tôi đã thực hiện.
- Bà đã mất bao lâu để hoàn thành những tác phẩm này? Đâu là thách thức lớn nhất khi sử dụng chất vải kimono cổ để may áo dài?
Những bộ kimono cổ do các nghệ nhân Nhật Bản làm ra cách đây khoảng 100-150 năm. Tôi chỉ là người sưu tầm lại, tiếp nhận cảm hứng từ các họa tiết cổ và có ý tưởng phác thảo, thiết kế lên những bộ trang phục mới để tạo nên diện mạo mới cho nó.
Khổ vải của kimono cổ rất hẹp, nhưng may mắn lại vừa vặn để thiết kế áo dài. Tôi đã dành khoảng 1 tháng để hoàn thành tác phẩm.
Đường may của áo dài Việt Nam trông có vẻ hết sức đơn giản nhưng để quyết định họa tiết nằm ở vị trí nào, làm sao để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hài hòa sẽ tốn khá nhiều thời gian. Vải để may quần cũng cần được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo chất lượng và độ mỏng vừa phải phù hợp với trang phục áo dài.
- Sự tương đồng văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm áo dài - kimono trình diễn?
Trong quá trình may áo dài từ vải kimono cổ, tôi đã nhận thấy nhiều điểm tương đồng trong bộ trang phục truyền thống giữa 2 quốc gia.
Cả áo dài và Kimono đều có thiết kế rủ xuống theo chiều dài, thể hiện sự mềm mại của người mặc. Những họa tiết thêu tay tỉ mỉ cũng thường xuyên được áp dụng trong cả 2 bộ trang phục này. Về chất liệu, cả áo dài và kimono đều sử dụng chất liệu vải lụa. Lụa Việt Nam cũng có nhiều điểm rất gần gũi với lụa của Nhật Bản.
Tôi nghĩ cả áo dài và kimono đều là những trang phục tôn lên sự duyên dáng của người phụ nữ Á Đông và thông qua những ví dụ cụ thể về thời trang, người xem có thể thấy được sự tương đồng về văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam.
- Từ quan điểm của một nhà thiết kế chuyên bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Bà mong muốn điều gì thông qua sự kết hợp đầu tiên giữa áo dài và kimono này? Làm thế nào để bảo tồn những trang phục truyền thống trong thời hiện đại ngày nay?
Đương nhiên điều tôi mong muốn sẽ là cách thức để lưu giữ và bảo tồn lại tất cả những tấm vải kimono cổ mang tinh hoa kỹ thuật của nghệ nhân Nhật Bản xưa mà hiện nay không thể tái hiện lại được thông qua các thiết kế mới.
Ngoài ra, tôi cũng muốn có thêm nhiều người mặc những thiết kế của mình và đang cân nhắc về việc bán các sản phẩm trong tương lai. Trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, tôi nghĩ điều quan trọng đầu tiên là cần tìm được những người chung chí hướng. Chẳng hạn Việt Nam và Nhật Bản đều có nghệ thuật nhuộm chàm, làm sao để tập hợp những người cùng có kỹ thuật để họ giao lưu với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và kết hợp giữa kỹ thuật của 2 quốc gia cũng là một cách để bảo tồn.
Việc lưu giữ những giá trị truyền thống không chỉ là nhiệm vụ của riêng mỗi cá nhân hay các tổ chức phi lợi nhuận như Be-Japon mà rất cần sự chung tay của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn