+ Sau 8 năm, kể từ tập thơ "Những người đàn bà trở về" (2016), chị mới xuất bản tập thơ mới. Phải chăng đó là những chiêm nghiệm được chị gói ghém trong gần một thập kỷ qua?
Cũng có thể nói là như vậy. Viết chính là cuộc sống của tôi. Nhưng cái thúc bách để làm một cuốn sách thì trong tôi không còn nhiều. "Đêm hoa vàng" chỉ là một phần của những gì tôi đã viết trong 8 năm vừa rồi. Nó là những chiêm nghiệm của đời sống mà tôi đã đi qua.
+ Trong 8 năm ấy, quãng thời gian nào làm cho chị chiêm nghiệm được nhiều nhất để đưa vào thơ ca?
Quãng thời gian có tác động mạnh đến tôi nhất (và tôi nghĩ nhiều người cũng vậy) chính là 3 năm đại dịch Covid-19. Tôi thấy trong mình có một sự biến đổi sâu sắc. Mình đã khác trước và không thể nào quay về sống như trước, nghĩ như trước, yêu và viết như trước. Trong "Đêm hoa vàng", có một số bài tôi viết trong giai đoạn này.
+ Không phải ở tập thơ mới này, mà ngay từ khi mới bắt đầu xuất hiện trên thi đàn, thơ của Bình Nguyên Trang đều trải dài một nỗi buồn. Là tâm hồn nhà thơ nhạy cảm hay cuộc sống của chị thấm đẫm nỗi buồn?
Vừa rồi, có bạn đọc "Đêm hoa vàng" đếm chính xác số chữ "buồn" được lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ (tôi không nhớ chính xác, nhưng chắc chắn là nhiều). Rồi có một người bạn khác "chat" với tôi qua mạng xã hội, bảo rằng "thơ em nhiều buồn đau quá".
Tôi bèn lần dở lại và thấy, quả đúng là về mặt ngôn ngữ, chữ "buồn" có lặp lại khá nhiều, một cách vô thức. Mỗi bài thơ trong tập được viết trong những khoảnh khắc khắc nhau, tâm trạng khác nhau, nó thế nào thì tôi để nguyên như vậy, trân trọng như khi mình nhìn lại một ký ức đã qua, không bôi xóa, thêm bớt.
Tôi công nhận rằng, mình hay làm thơ lúc có tâm trạng, thường là buồn. Nhưng buồn đâu phải là điều gì đáng sợ, nó là tên gọi khác của vui thôi mà. Nhìn thật kỹ, bạn sẽ thấy buồn là mặt sau của vui. Nó cứ đến và đi như những con sóng trên mặt biển.
Nhà thơ thì hay chụp lấy cái "mặt sau" đó, để thể hiện một nhìn nhận nào đó về đời sống. Cách mà ta nhìn buồn cũng cho biết cách mà ta đón vui. Nếu nói cuộc sống của tôi thấm đẫm nỗi buồn, thì bạn cũng có thể nói cuộc sống của tôi thấm đẫm vui - hai điều này chẳng có gì khác biệt.
Vấn đề là, khi bạn đọc một bài thơ buồn (chẳng hạn thế) nó có kéo chìm bạn xuống hồ sâu của tuyệt vọng, chán chường hay nó nâng bạn lên để có cái nhìn đời sống sâu sắc hơn, yêu cuộc đời mà bạn đang có mặt hơn.
+ Trở lại với tập thơ mới nhất của chị, được biết, sau khi xuất bản và phát hành, chị đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Xin hỏi, phản hồi nào khiến nhà thơ xúc động nhất?
"Đêm hoa vàng" nhận được khá nhiều sự quan tâm của bạn bè. Những người đã đi cùng tôi từ những năm tháng viết báo, làm thơ trên ghế nhà trường. Tôi đã có mặt ít nhiều trong ký ức của họ và giờ họ đọc thơ của tôi giống như tìm lại chút ký ức tuổi trẻ đó.
Tôi không biết những thi phẩm trong "Đêm hoa vàng" có làm họ thất vọng nhưng tình cảm họ dành cho tôi là rất thật qua những tương tác trên mạng xã hội. Tôi rất biết ơn về điều đó.
Một số bạn đọc gửi cho tôi hình ảnh nhiều bài thơ của tôi họ chép trong sổ tay thời đi học còn giữ đến hôm nay với màu mực đã phai. Có người kể lại rằng, họ đã đọc thơ Bình Nguyên Trang vào những cuốn băng cassette để lưu giữ.
Và cũng có độc giả lớn tuổi ở Tây Nguyên viết thư, gửi quà cho tôi. Quả thật, có những niềm vui lớn lao từ cuốn sách nhỏ, giúp tôi hiểu ra nhiều giá trị quý báu giữa đời thường. Và hiểu ra, nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, đừng cố là thứ gì xa lạ, mà hãy là hương hoa quyến luyến với con người, với cuộc đời, bình dị, gần gũi.
+ Trong bài thơ "Đoản khúc dâng Mẹ", có lúc chị tự thú: "Đã từ lâu rồi tôi chán làm thơ/Tôi chán véo von mỹ từ nhóng nhánh". Rồi "Đêm hoa vàng" vừa phát hành đã nối bản "trong một nốt nhạc". Liệu những điều này sẽ cho chị thêm nghị lực để tiếp tục những trang viết mới?
Chán viết - một tình huống mà kẻ không ngừng viết lại rất hay gặp. Điều này không mâu thuẫn đâu. Tôi có những thời điểm chán viết thật sự và muốn quay đi làm việc khác. Nhưng đâu phải chuyện mình muốn là xong. Có "kẻ nào đó" đã dẫn dắt mình quay lại con đường cũ. Tôi chắc rằng đó là "món nợ" mình chưa trả hết. Nếu có một vài độc giả yêu thương tôi, "nợ" đó tôi còn tiếp tục phải trả.
+ Về nghệ thuật, phong cách thơ Bình Nguyên Trang vẫn gần với thơ truyền thống. Chị không định đổi mới gì chăng?
Tôi không cố gì cả, nhất là cố cách tân hay đổi mới. Thế nào gọi là đổi mới, thế nào gọi là cách tân, bạn xem, trong thế giới nghệ thuật và giải trí hôm nay, còn thiếu cách gì mà người ta không thử, để thu hút công chúng.
Nhà thơ, bạn làm gì thì làm, nhưng nếu không thể "chạm" vào trái tim độc giả, bạn thất bại. Tôi biết điều này mà không cố. Tôi chỉ có thể tìm chính mình thật sâu xa và rồi hy vọng biết đâu bạn đọc sẽ thấy họ trong tôi.
+ Những bạn đọc yêu mến thơ Bình Nguyên Trang muốn biết về công việc và cuộc sống hiện tại của chị…
Tôi theo học ngành báo chí và hiện làm việc tại báo Nhân Dân. So với những ngành nghề khác, công việc của môt người làm báo khá là bận rộn. Tôi có một gia đình nhỏ và 2 cô con gái. Bạn lớn thích học môn Hóa còn bạn nhỏ thì thích vẽ.
Ngoài công việc, tôi thích dành thời gian cho các con. Trò chuyện với bọn trẻ là lúc mình học được nhiều điều. Trong việc giáo dục con, tôi để chúng khá tự do. Chúng luôn được nêu ý kiến và được ủng hộ, ít khi phải chịu áp lực từ mẹ.
+ Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn