Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Ở tuổi lên 9, bà đã bắt đầu làm thơ. Lên 10, bà có tập thơ đầu tiên với khoảng 40 bài. Bà từng làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Từ đầu những năm 1970, thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với những biên độ cảm xúc mở rộng hơn, với nhiều tứ thơ mạnh mẽ, mang âm hưởng cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc. Chùm thơ Khoảng trời hố bom, Gặt đêm, Đường ở Thủ đô giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973 do nhà thơ Xuân Diệu làm chủ khảo đã khẳng định tài năng của bà. Khoảng trời hố bom được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ, được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.
Bà từng giành nhiều giải thưởng lớn như giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng, Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1999, Giải A thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983) và Đề tặng một giấc mơ (1988). Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Hoa Kỳ.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Chồng bà - Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
BÀI THƠ "KHOẢNG TRỜI, HỐ BOM" NỔI TIẾNG CỦA LÂM THỊ MỸ DẠ
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!
Trường Sơn, 10/1972
* Bài thơ này nằm trong chùm thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972-1973.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn