Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể rằng, tháng 1/1976, bà xin phép cơ quan vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam công tác 3 tháng. Ngày 8/1/1976, tác giả bài thơ "Hương thầm" từ Hà Nội xuống Hải Phòng lên chiếc tàu biển chạy chuyến đầu tiên vào Sài Gòn.
Hồi ấy, chưa có tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam. Đến Sài Gòn, bà ở trong một phòng nhỏ của Hội Văn học Nghệ thuật thành phố, tại số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3. Vài hôm sau, nhà văn Lê Minh Khuê cũng từ Bắc vào và ở chung phòng với bà.
Nhà thơ nhớ lại: "Chiều ba mươi Tết, chúng tôi được các anh ở Hội Văn nghệ thành phố cho lên ô tô đi một vòng quanh Sài Gòn. Thành phố tấp nập, tưng bừng đón cái Tết đầu tiên sau giải phóng. Nhà nhà treo dây pháo dài hàng mét trước cửa, bày cỗ trước nhà chuẩn bị đón giao thừa. Các chị mặc áo dài lửng, tức là tay ngắn và loe, vạt áo dài hẹp và ngắn, gần như ngang gối, xúng xính dắt con dạo chơi ngoài phố. Bọn trẻ ôm búp bê, bánh kẹo, thú nhồi bông chạy tung tăng. Sài Gòn Tết năm 1976 cái gì cũng "mini": Xe đạp mini, váy mini, áo dài mini, tóc các cô gái cũng mini... Thật là vui mắt.
Đêm giao thừa, chúng tôi thức suốt, có anh Lê Dân, anh Nguyễn Lâm, anh Trịnh Công Sơn, anh Huy Thành... đến chơi. 12 giờ đêm, pháo nổ râm ran. Sáng mồng Một, tôi và Khuê được chị Anh Thơ mời đến nhà chơi. Nhưng trước khi đến nhà chị, chúng tôi mượn xe Honda đi lên Lăng Cha Cả. Ở đây, các cô, cậu thanh niên cắm cúi khấn khứa xin Cha - Tả quân Lê Văn Duyệt - ban cho phúc lộc. Mà cô nào cô nấy đều đánh mắt, đánh môi, sơn móng tay, móng chân, váy áo tưng bừng...
Anh Vũ Hạnh mời chúng tôi đi xem ca múa nhạc. Và tôi đã vô cùng thích thú thấy các ca sỹ vừa bài trước hát giọng miền Nam ngọt ngào, bài sau đã thánh thót dân ca quan họ bằng tiếng Bắc ấm áp và tha thiết. Hai miền đã bắt đầu giao lưu, thương mến và thân thiết quá".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn