Nhà thơ Trần Đăng Khoa tiết lộ về người mẹ không biết chữ

19:06 | 07/03/2023;
“Mẹ của tôi không biết chữ, chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Nhưng không hiểu sao bà thuộc toàn bộ Truyện Kiều. Sau này, khi có trong tay cuốn sách in Truyện Kiều, bà lần theo từng câu thơ đã thuộc mà nhận ra mặt chữ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết tại Tọa đàm "Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt".

Sáng 7/3, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cùng nhà thơ Đỗ Anh Vũ và Bình Nguyên Trang tham gia buổi Tọa đàm Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt được tổ chức tại trường Alfred Nobel (Hà Nội) nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tại chương trình, vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, xúc động về người mẹ của mình.

"Mẹ của tôi không biết chữ, chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Nhưng không hiểu sao bà thuộc toàn bộ Truyện Kiều. Sau này, khi có trong tay cuốn sách in Truyện Kiều, bà lần theo từng câu thơ đã thuộc mà nhận ra mặt chữ… Nhờ đó, mẹ đọc được sách, tiểu thuyết. Mẹ nói, tất cả là nhờ cụ Nguyễn Du. Tuy nhiên, tôi viết thư cho mẹ phải viết bằng chữ in, bởi chữ thường mẹ không đọc được", nhà thơ được mệnh danh là "thần đồng thi ca" một thuở kể.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, rất nhiều bài thơ của ông được ra đời với cảm hứng từ chính lời dặn và tình yêu thương của mẹ. "Nhà tôi có 3 anh em làm thơ, tôi, Trần Nhuận Minh và Trần Thị Thúy Giang. Nhưng mẹ tôi không muốn các con trở thành nhà thơ. Bà nói, bà chỉ mong các con trở thành người tử tế", nhà thơ nói.

Sự tử tế ấy không chỉ trong cách đối nhân xử thế mà còn đối với cả cỏ cây, loài vật: "Khi bảo tôi ra vườn hái trầu, mẹ dặn kỹ: Con phải mang ngọn đèn, vặn to, để ngọn đèn nhận ra con là chủ chứ không phải thằng ăn trộm, phải đọc câu: Trầu trẩu trầu trầu/Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày/Tao không hái ngày/Thì tao hái đêm/Thức dậy cho tao hái… Ra vườn, tôi quên phắt câu đó. Nhưng tôi viết thành bài thơ "Đánh thức trầu": Đã ngủ rồi hả trầu?/Tao đã đi ngủ đâu/Mà trầu mày đã ngủ/Bà tao vừa đến đó/Muốn xin mấy lá trầu/Tao không phải ai đâu/Đánh thức mày để hái…

Mẹ tôi nói ngày Tết mình có áo mới thì cây cũng phải có áo mới. Mẹ đưa cho tôi thùng vôi, bảo tôi quét cây trong vườn. Sang mùng 1 Tết, cả vườn cây trắng xóa, mẹ nói đó là quần áo mới của cây. Với chó mèo cũng vậy, mẹ bảo nhà có gì thì chia cho bọn nó ăn như thế.

Khi bà tôi mất, mẹ nói nhìn cây cối buồn quá, bảo tôi mang khăn tang xé ra hàng trăm mảnh nhỏ để thắt tang cho cây, không nó sẽ lụi, chết vì nhớ bà. Tôi cứ thế lọ mọ ra thắt khăn tang cho từng cây trầu, na, bưởi… Với đứa trẻ là tôi khi ấy, những cây đó như con người. Điều đó tôi ảnh hưởng từ mẹ, bởi trong mắt bà, con gà, con chó hay cây cối trong vườn đều có tâm trạng, tình cảm như con người".

Các nhà thơ Bình Nguyên Trang, Đỗ Anh Vũ, Trần Đăng Khoa (từ trái sang) tại Tọa đàm "Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt"

Các nhà thơ Bình Nguyên Trang, Đỗ Anh Vũ, Trần Đăng Khoa (từ trái sang) tại Tọa đàm "Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt"

Những lời dặn, những bài học của mẹ đi vào thơ Trần Đăng Khoa rất tự nhiên. Ông cho rằng mẹ mình không hề biết đó là phép nhân hóa trong nghệ thuật. Bà chỉ muốn dạy con làm một người tử tế. Theo bà, một đứa trẻ biết yêu cây cối, con vật sẽ trở thành người lương thiện, còn nếu đứa trẻ có thể dẫm nát cây non, đạp con gà, con chó thì lớn lên dễ làm điều ác với con người.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng kể câu chuyện lần đầu tiên trong đời mình đi máy bay. Khi bay trên các tầng mây, thấy hóa ra đó không phải là thiên đường lộng lẫy như trong lời mẹ kể thời thơ bé. Nhưng sau cùng, nhà thơ đã nhận ra một thiên đường có thật ở phía dưới, nơi có người mẹ của mình, và viết nên bài thơ "Thư viết bên cửa sổ máy bay": Từ cửa sổ máy bay/Nhìn về mặt đất/Bỗng nhiên con sửng sốt

Lại gặp một vòm xanh thăm thẳm của bầu trời/Mây trắng đi lững thững dưới kia/Như những cái nấm lơ lửng/Nhưng con biết đằng sau màu mây ấy/Là một thiên đường có thật/Ở đó có ngôi nhà gianh vách trát đất/Là lâu đài của mẹ con mình

Cũng tại Tọa đàm Hình tượng người mẹ trong thi ca Việt, nhà thơ - tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ đã khái quát hình ảnh người mẹ trong thi ca Việt Nam, từ những câu ca dao, dân ca cho đến văn học trung đại, những vần thơ thời kháng chiến rồi những tác phẩm thi ca đương đại với những hình ảnh đặc biệt về người mẹ và tình cảm của mẹ dành cho con. Anh cũng chỉ ra một điểm thú vị: Rất nhiều bài thơ hay về mẹ được viết bằng thể thơ lục bát, chẳng hạn như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, Mẹ của Trần Nhuận Minh… "Có lẽ lục bát là cội nguồn của lời ru, khi nhà thơ chọn lục bát để viết về mẹ chính là nối dài lời ru từ thuở ấu thơ", nhà thơ Đỗ Anh Vũ lý giải.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tiết lộ về người mẹ không biết chữ  - Ảnh 2.

Các em học sinh hào hứng tham gia giao lưu cùng các nhà thơ

Trong khi đó, nữ thi sĩ Bình Nguyên Trang tiết lộ, chị thuộc tập thơ Góc sân và khoảng trời từ nhỏ và chính những bài thơ về mẹ của Trần Đăng Khoa là nguồn cảm hứng để chị làm thơ. Chia sẻ với hàng trăm em học sinh theo dõi Tọa đàm, chị cho rằng, ai cũng có thể trở thành thi sĩ nếu viết về mẹ. "Viết về mẹ là tình cảm rất thật, tình yêu về mẹ không cần trang sức, trang điểm. Chỉ cần thật, chân thành, những câu chữ sẽ chạm vào trái tim người đọc", Bình Nguyên Trang nói.

Trong khuôn khổ chương trình, BTC cũng đã trao giải cuộc thi sáng tác "Thơ về mẹ" cho các em học sinh.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn