'Nhà tù' của cô gái hiện đại

08:46 | 25/08/2015;
Sự chăm bẵm quá thường xuyên, chi tiết có thể khiến vợ chồng cảm thấy ngột ngạt như bị giam lỏng.
Ngày còn yêu nhau, khi anh đưa Minh về ra mắt gia đình hoặc đi chơi cùng với nhóm bạn, ai cũng mừng cho anh. Minh không chỉ là cô gái hiện đại, biết ăn diện, xinh xắn, có công việc ổn định, khéo nói mà còn luôn thể hiện tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc dành cho anh rất nhiều, rất rõ ràng. “Chẳng mấy ai lấy vợ mà được sướng như ông!” - Đấy là lời mấy người bạn thân của anh thường nói. Tuy nhiên, là người trong cuộc, đôi khi những gì Minh dành cho anh lại khiến anh không thoải mái.


                                                      Càng ở cùng Minh anh càng cảm thấy cuộc sống tù túng

***
4 năm sau khi cưới Minh là 4 năm anh cảm thấy cuộc sống quá tù túng. Tiền lương hàng tháng của anh, vợ bảo “phải quy về một mối”. Từ đó, tất thảy những đồ dùng cá nhân của anh, đồ nội thất trong nhà, đối nội đối ngoại lớn - nhỏ... đều được chi tiêu theo ý muốn của Minh. Mỗi tháng, cô đặt vào ví của anh số tiền gọi là “đủ tiêu vặt”.
Sáng sáng, anh phải thức giấc cùng vợ, ăn những món do chính tay Minh chế biến cho riêng anh. Theo cô, dậy sớm là thói quen tốt. Ăn những món đó là ngon nhất, bổ nhất. Cô bất chấp đó là ngày nghỉ, hay đêm qua anh phải thức rất khuya để làm việc, không quan tâm rằng anh thích ăn sáng ở ngoài hơn... Trước khi đi làm, bao giờ anh cũng phải mặc những bộ quần áo, giày dép do vợ đã chuẩn bị sẵn. Cô bảo: “Em muốn chồng mặc tươm tất nhất, đẹp nhất”.


                                               Mọi việc lớn nhỏ trong nhà Minh đều quyết và bắt chồng làm theo
Các buổi trưa, có những hôm anh đang dở cuộc họp hay phải chạy ra ngoài lo việc sếp giao thì Minh gọi điện liên tục. Đến khi anh nhấc máy, cô như thở phào: “Em chỉ muốn nhắc anh ăn trưa đúng giờ để tránh bị đau dạ dày”. Hoặc cô sẽ hỏi xem trưa anh ăn món gì, có ngon miệng không, có đủ chất dinh dưỡng không? Tiện thể, cô sẽ hỏi luôn chính xác buổi tối mấy giờ anh về?
Những hôm công việc nhiều, anh phải về muộn. Minh lại rất lo lắng cho anh. Cô điện thoại rồi nhắn tin liên hồi: “Anh đang làm việc với ai?”, “Anh nhớ uống nước đấy”, “Làm việc chừng mực anh nhé!”, “Nếu có thể, anh hãy để mai làm tiếp”, “Về đi anh, em lo lắm”, “Em vẫn đợi cơm anh”...
Những buổi tối ít việc hoặc ngày nghỉ, bất kể anh có nhu cầu ra ngoài làm gì, gặp ai, Minh cũng đều nài nỉ: “Chúng mình là vợ chồng, đi đâu, làm gì cũng phải cùng nhau chứ”. Vậy là trong tất cả các cuộc tụ tập bia bọt với bạn bè, đi họp lớp, đi ăn cưới bạn học... Minh đều luôn kè kè bên anh.
Thậm chí cô còn “can thiệp” cả vào tin nhắn, lịch sử cuộc gọi trên điện thoại, đòi biết mật khẩu email, facebook của anh. Khi anh ngần ngừ tỏ ý phản đối, Minh lại cười cười, khéo léo thanh minh theo kiểu: “Vợ chồng mà, có gì đâu mà phải giấu nhau”.
***
Chính sự quan tâm thái quá của Minh khiến anh có cảm giác mình như đang ở tù tại gia. Nhiều lần, anh phản kháng, làm ngược lại ý vợ nhưng Minh như cố tình không hiểu, không chịu thay đổi.
Gần đây, cảm giác mệt mỏi do vợ gây ra cho anh ngày một nhiều khiến anh nghĩ đã đến lúc cần phải nói chuyện thẳng thẳn với Minh. Anh sẽ nói rõ cho cô hiểu rằng không phải cứ kết hôn là mọi thứ đều song hành với những chữ “một mối”, “cùng nhau”. Không phải “một nửa” cứ thể hiện sự quan tâm sát sao, yêu thương nồng nhiệt là “nửa kia” sẽ thấy hạnh phúc. Cuộc sống chung sẽ chỉ được hài hòa, yên ấm khi mỗi người không bị tước mất khoảng trời riêng và nhận được những tình cảm tình yêu thương một cách hợp lý.

Bí quyết để cư xử chừng mực
- Không nên quan niệm cứ kết hôn là mọi thứ phải quy về một mối.
- Có sự bình đẳng khi đưa ra các quyết định trong gia đình.
- Không nên dựa vào lý do là “quan tâm, chia sẻ”... để áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên người bạn đời.
- Hãy lắng nghe nhau và đối thoại mỗi khi cần nói lên ý muốn thực sự của mình.
- Nên để cho nhau khoảng trời riêng tự do trong giới hạn nhất định

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn