Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh nhiều hơn. Để có được một công việc với mức lương mong muốn, sinh viên mới ra trường phải trải qua nhiều thử thách khác nhau. Một trong số đó là vượt qua được quá trình tuyển chọn gắt gao của các công ty.
Như đã biết, càng ngày việc tuyển dụng nhân sự càng trở nên khó khăn hơn. Nhà tuyển dụng hiện tại không chỉ đòi hỏi ở ứng viên trình độ chuyên môn mà còn cả các kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống. Không đi theo quy trình bình thường, nhiều nhà tuyển dụng giờ đây đưa cho ứng viên các câu hỏi đầy oái oăm, buộc họ phải vận động đầu óc, đặc biệt là EQ của mình để giải quyết.
Đó chính là câu chuyện mà Lưu Diễm - một cô gái trẻ tại Trung Quốc mới gặp cách đây không lâu. Lưu Diễm vốn làm sales nhưng cô đã nghỉ việc vì công việc cũ không có triển vọng phát triển. Với kinh nghiệm bán hàng phong phú, Lưu Diễm tự tin ứng tuyển vào một công ty khác.
Vào ngày diễn ra cuộc phỏng vấn, mọi thứ ban đầu khá suôn sẻ. Thế nhưng điều khó hiểu là vào cuối buổi, người phụ trách phỏng vấn bất ngờ đưa ra một câu hỏi kỳ quặc. Người này hỏi: "Có 100 quả táo, nhưng 99 quả trong đó có độc, làm sao phân biệt quả nào không có độc?".
Dù đều tỏ ra ngơ ngác nhưng các ứng viên vẫn phải lần lượt đứng lên trả lời câu hỏi. Ứng viên thứ nhất ấp úng cho hay: "Nếu thực sự không thể phân biệt bằng mắt thường thì chúng ta có thể dùng thiết bị chuyên nghiệp để thử xem quả táo nào có độc, như vậy chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt một cách chính xác".
Ứng viên thứ hai tiếp lời: "Trong trường hợp là tôi, nếu tôi không biết chính xác quả nào không có độc, tôi sẽ không thử phân biệt đâu. Bởi nếu quá trình phân biệt xảy ra bất kỳ sai sót nào thì có thể gây ra hậu quả khôn lường".
Người phỏng vấn nghe xong chỉ cười nhẹ mà không nói gì, đồng thời ra hiệu cho Lưu Diễm trả lời.
Đến phần mình, Lưu Diễm suy nghĩ một lúc, sau đó chậm rãi đáp: "Táo là để ăn, nếu muốn phân biệt quả nào có độc, quả nào không thì bạn sẽ phải ăn táo. Nhưng với số lượng táo lớn như vậy, tôi cho rằng việc phân biệt ra một quả không có độc là hết sức vô ý nghĩa. Tốt hơn hết là tiêu hủy tất cả.
Vì một quả táo không độc mà lãng phí nhiều thời gian và công sức như vậy là hoàn toàn không cần thiết. Đó là một sự lựa chọn tệ vô cùng, bởi ai cũng biết thời gian chính là tiền bạc".
Nghe đến đây, người phỏng vấn không nhịn được mà đứng dậy vỗ tay khen ngợi Lưu Diễm. Sau nửa phút cân nhắc, cuối cùng, Lưu Diễm đã được tuyển dụng. Lý do đưa ra là trong số các ứng viên, Lưu Diễm là người duy nhất sử dụng đủ các dữ liệu được đưa ra để phân tích tình huống. Cô cũng suy xét trước sau sự việc và cho ra được quyết định phù hợp nhất.
Còn bạn, nếu nhận phải câu hỏi như trên, bạn sẽ trả lời nhà tuyển dụng như thế nào?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn