+ Cuốn sách truyền cảm hứng và có ý nghĩa đặc biệt với Quyên là gì?
Nếu chọn một trong những cuốn sách truyền cảm hứng và có ý nghĩa đặc biệt trong năm tháng tuổi trẻ của tôi, có lẽ là cuốn "Ping - Vượt khỏi ao tù" (tác giả Stuart Avery Gold). Ping là một chú ếch dũng cảm, đã quyết định rời khỏi vùng an toàn để khám phá thế giới. Cậu đã gặp được nhiều người bạn thú vị, với những trải nghiệm khó quên. Cuối cùng, cậu nhận ra rằng, hành trình vượt qua nỗi sợ hãi, dám đương đầu với khó khăn và lựa chọn con đường cho chính mình mới là thử thách lớn nhất của mỗi người. Trong những năm tháng ở giảng đường, tôi luôn tự nhủ rằng: Hãy thực hiện cho được giấc mơ lớn nhất của đời mình. Năm tháng đó, nếu gặp khó khăn hay bất cứ trở ngại nào, tôi đều nhớ đến Ping. Chú ếch ấy từng khiến tôi bật cười nhưng mỗi khi nghĩ về lại thấy cảm động.
+ Khi đến các trường học trò chuyện về văn hóa đọc với học sinh, chị thường chuyển tải đến độc giả những điều gì?
Mỗi lần đến trường học hay các sự kiện giao lưu, chia sẻ về sách với các bạn nhỏ, tôi luôn nghĩ, đó là khoảng thời gian vui chơi cùng các em trong thế giới sách. Điều thiết thực nhất tôi nghĩ mình có thể làm là góp phần khơi gợi sự tò mò, khám phá, kể những câu chuyện có ý nghĩa và cho các em thấy một thế giới tươi đẹp trong trang sách. Những sân chơi nho nhỏ như vậy cũng là dịp cho nhà văn, các chuyên gia, những người tâm huyết với văn hóa đọc có dịp đến gần với các em nhỏ hơn. Được chơi cùng, chia sẻ và hiểu hơn nhu cầu đọc cũng như những điều các con quan tâm, từ đó có thể tạo ra những chương trình bổ ích, thú vị cho trẻ. Đó cũng là cách mà người lớn có thể từ từ cùng nhau góp phần truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ thơ.
Trong những chuyến giao lưu, tôi thường nhận những câu hỏi từ các em, rằng: Làm thế nào để thích đọc sách? Làm sao để đọc sách không cảm thấy buồn ngủ?… Như thế cũng có nghĩa rằng, bên cạnh những em nhỏ có niềm say mê với sách thì vẫn còn nhiều em nhỏ không thích đọc. Điều này hoàn toàn bình thường trong thời đại mà cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có quá nhiều lựa chọn khác để giải trí, vui chơi. Chỉ có điều, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ rất cần người lớn dẫn đường, kể cho các bé nghe những câu chuyện hay, trao vào tay các con những quyển sách thú vị, cho trẻ hòa mình vào sân chơi với sách… Tất cả đều là cách mà chúng ta cùng gieo những hạt mầm trên đất lành, cần có thời gian để cây phát triển và cho quả ngọt.
+ Có một thực tế, đến tháng 4 là phong trào đọc sách lại xôm tụ, còn những tháng khác trong năm lại khá im ắng. Có vẻ như câu chuyện văn hóa đọc vẫn còn được thực hiện theo phong trào?
Tháng 4 có Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 nên các hoạt động về sách được sôi nổi hơn. Nhưng câu chuyện truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc đã có sức tác động, ảnh hưởng sâu rộng hơn trong vài năm trở lại đây. Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, thời gian nào trong năm, chúng ta cũng đều có những sự kiện ý nghĩa về sách, giao lưu tác giả - tác phẩm như: Đường sách TPHCM thường xuyên có chương trình Du hành cùng sách, NXB Kim Đồng có chuỗi sự kiện Từ cuốn sách nhỏ đến thế giới lớn tổ chức tại nhiều trường học trên địa bàn TPHCM. Nhiều đơn vị làm sách cũng tổ chức các workshop, sự kiện về sách thu hút phụ huynh và các em thiếu nhi. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân đưa sách về vùng sâu vùng xa, cùng tổ chức các hoạt động ý nghĩa và thiết thực: hội sách, giao lưu về sách… Tôi nghĩ đó là điều rất đáng mừng, đáng khích lệ của văn hóa đọc hiện nay.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sinh năm 1985 tại Long An, là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Chị từng giành Giải thưởng Nhà văn Trẻ Hội Nhà văn TPHCM 2014, với tác phẩm "Cỏ đồi phương Đông"; Giải thưởng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn TPHCM 2021 và Giải thưởng sách Quốc gia 2022 với tác phẩm "Cà Nóng chu du Trường Sa". Tác phẩm mới nhất của chị là "Hùm xám qua sông".
Dù vậy, vẫn còn một số nơi phát động, thực hiện những chương trình, sự kiện theo phong trào. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, tôi vẫn nghĩ… có còn hơn không. Những dòng chảy đôi khi cần thời gian để có thể hội tụ mạnh mẽ hơn. Cũng như những điều liên quan đến tình yêu, nhận thức, thói quen, truyền cảm hứng… đều cần có thời gian lâu dài. Tôi tin rằng, hành trình chia sẻ và phát triển văn hóa đọc đã và đang lan tỏa giá trị tích cực.
+ Bí quyết để chị gắn bó với trang viết hàng chục năm qua?
Tôi thường tính dấu mốc "cầm bút" từ khi ra mắt tác phẩm đầu tay "Đi ngược chiều thương" (2008). Nhớ năm 10 tuổi, tôi ra bờ ruộng ngồi… làm thơ và mơ rằng lớn lên sẽ viết sách. Nhưng mãi đến năm học lớp 8, tôi mới có vài truyện ngắn in báo tường và 1 bài thơ in trên báo Mực Tím. Bẵng đi đến năm thứ 2 đại học, tôi mới tập tành viết truyện ngắn gửi báo Áo Trắng. Tất cả năm tháng thơ mộng đó, tôi nghĩ mình chỉ là người tập viết mà thôi.
Sau này, khi nhìn lại hành trình văn chương - dù chưa phải là quá dài nhưng cũng không phải là ngắn - nếu nói rằng, điều gì giúp nhà văn gắn bó bền bỉ với trang viết, thì có lẽ đó là suối nguồn chữ đã luôn chảy trong tâm trí và trái tim họ. Và quan trọng hơn, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được viết ra những điều mình tâm đắc, hoàn thành được những ý tưởng mình ấp ủ và sẻ chia những giá trị mà mình muốn trao gửi đến bạn đọc. Ở góc độ người tiếp nhận, tôi lại có cảm giác chìm đắm và nương tựa khi đọc tác phẩm của người khác, cũng như được cùng san sẻ niềm vui với những trang viết của bạn bè mình. Tất cả những điều ấy làm nên vòng tròn ấm áp, một trường năng lượng tràn ngập yêu thương mà tôi chưa từng muốn tách rời. Văn chương theo một cách nào đó, cho đến giờ, đã trở thành một phần của cuộc đời tôi. Ước mơ lớn nhất của đời tôi, nói một cách đầy đủ hơn có lẽ là: trở thành một nhà-văn-hạnh-phúc.
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn