Nhà văn của những em nhỏ

12:00 | 17/04/2018;
Enid Blyton là nhà văn viết cho thiếu nhi thành công nhất trong thế hệ của bà. Như cánh chim không mỏi, bà đã hoàn thành hơn 400 cuốn sách trong suốt cuộc đời mình và trở thành một trong những nữ văn sĩ có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 600 triệu bản.

Enid Blyton cất tiếng chào đời ngày 11/8/1897 tại London, là con gái lớn của một gia đình viên chức, nhưng sau đó người cha là Thomas Carey Blyton may mắn trở thành một doanh nhân thành đạt nên đủ chu cấp cho ba đứa con được học hành tử tế trong những trường tư thục.

Là con lớn trong nhà, cha của Blyton hy vọng rằng bà có thể trở thành một nghệ sĩ piano, thế nhưng dù có tài năng âm nhạc, bà lại không chọn con đường đó. Ở trường bà luôn được xếp loại học sinh giỏi và được Froebel – sau này được xem là cha đẻ của hệ thống giáo dục mầm non đào tạo. Blyton trở thành giáo viên dạy học cho những bé trai trong một gia đình và chính từ kinh nghiệm này nên vào giữa thập niên 1920, bà đã đứng ra mở một trường tiểu học tư thục giành cho nam sinh.

Enid Blyton yêu thích công việc viết lách từ khi còn trẻ.

Trong những thời gian rảnh rỗi, bà bắt đầu viết rất nhiều các câu chuyện dành cho trẻ em với đủ thể loại, từ những cuốn sách viết về thực vật, về giới tự nhiên đến những câu chuyện trong kinh thánh…

Sau khi làm hiệu trưởng vài năm, Enid Blyton quyết định nghỉ công việc dạy học rồi kết hôn và chính thức bước chân vào làng văn bằng những bài thơ đầu tay. Bà đứng ra xuất bản một tạp chí riêng có tên là Sunny Stories dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Chỉ có một lượng độc giả nhất định nhưng ổn định, Sunny Stories mất chừng vài năm để khẳng định danh tiếng thực thụ của chủ bút Enid Blyton.

Năm 1938, bà xuất bản thiên truyện đầu tiên Hòn đảo bí mật (The Secret Island). Bốn nhân vật chính của cuốn sách tuy không được tác giả kể rõ ai ngần nào tuổi, song vẫn đủ cho độc giả mường tượng ra: đấy là những nhóc con đang học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, và mọi câu chuyện xảy đến với họ cũng hoàn toàn có thể xảy đến với mình. Bốn anh chị em rủ nhau trốn khỏi căn nhà chán ngắt, ra sống hoàn toàn tự lập trên một hòn đảo hoang vắng... Cốt truyện này có thể không là mới đối với văn học thiếu nhi Anh ngữ, nhưng sách của Enid Blyton lại mang một giọng điệu mới mẻ mà tuổi thiếu niên ở thập niên 1930 đang cần: những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong sách tỏ ra rất gần gũi, ngôn ngữ của sách cũng không xa lạ gì với lời ăn tiếng nói đương thời...

Thành công nối tiếp thành công, kết quả là, bất chấp không khí ngột ngạt của thời kỳ bắt đầu chiến tranh đang bóp nghẹt mọi hoạt động xuất bản, dòng sách của Enid Blyton vẫn tiếp tục tuôn ra đều đều, nâng tác giả lên hàng ngôi sao của văn học thiếu nhi Anh quốc. Theo cốt truyện của Enid Blyton, các nhà điện ảnh đã làm thành một số lượng phim hoạt hình liên tục suốt từ năm 1955 đến nay.

Enid Blyton từ trần vào ngày 28/11/1968 ở tuổi 71.

Bà là một trong những nữ văn sĩ có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại.

Năm 2008, tròn 40 năm sau từ khi từ giã cõi đời, nữ văn sĩ Anh Enid Blyton được bình chọn là "nhà văn yêu quý nhất" ở Anh. Đó là kết quả cuộc điều tra dành cho 2000 độc giả đã trưởng thành của ban tổ chức giải sách Costa. Kết quả này cũng trùng khớp với những đánh giá trước đó của Booktrust - một tổ chức từ thiện nhằm ủng hộ sáng kiến cấp sách miễn phí cho thiếu nhi của Chính phủ Anh - khi công nhận trong 20 tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng nhất trước nay, Enid Blyton có những 3 tác phẩm: "Ngũ hiệp nổi tiếng" (tập đầu ra mắt độc giả vào năm 1942) được xếp thứ 6, "Cây thần bí" được xếp thứ 7 và "Những tòa tháp Nalory" được xếp thứ 19. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn