Nhà văn Di Li ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực

16:03 | 11/11/2019;
107 câu chuyện về ẩm thực Việt Nam và thế giới được nhà văn Di Li kể tỉ mỉ, chi tiết trong 2 cuốn sách ‘Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa’ và ‘Nửa vòng Trái đất uống một ly trà’.

Bộ đôi tùy bút ẩm thực của Di Li bao gồm 107 câu chuyện về ẩm thực với tổng số 650 trang sách. Tùy bút ẩm thực là thể loại không nhiều người viết, nhưng Di Li tự nhận mình là một người đam mê văn hóa ẩm thực. Chị cho rằng ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là hồn cốt, là văn hóa của mỗi dân tộc. Phong cách ẩm thực luôn gắn liền với thổ nhưỡng, địa lý, tôn giáo và tính cách dân tộc nên thông qua ẩm thực, người ta có thể đọc ra được nhiều mã số văn hóa và lịch sử của dân tộc ấy. Có thể coi đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.

Bìa cuốn "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa"

 

Vẫn với phong cách hài hước quen thuộc, đôi khi chứa đựng cả sự da diết và nâng niu đối với hồi ức qua từng món ăn của Di Li, Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa là 53 câu chuyện về những món ăn ở khắp các vùng miền. Ẩm thực Huế, Sài Gòn, Hội An, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Pleiku, Châu Đốc, Phú Quốc, Đồng Tháp, Hải Phòng… hiện lên quen thuộc và lạ lẫm. Tác giả cũng dành một tình yêu lớn cho ẩm thực Hà Nội với năm câu chuyện về phở mà chị gọi là “Mùi xứ sở”.

Nửa vòng Trái đất uống một ly trà trái lại là một cuộc phiêu lưu kỳ thú và kinh ngạc khác trong thế giới ẩm thực. Đó là những sinh vật kỳ dị trong khay hải sản ở Busan, lịch sử 1.200 năm không ăn thịt của người Nhật, những người cuồng ớt ở Tứ Xuyên, sở thích ăn côn trùng của người Campuchia, những bữa “ăn chùa” trên con đường theo dấu chân Phật, nhà ảo thuật kem ở Thổ Nhĩ Kỳ, phong cách ăn Ramadan ở Morocco, món sữa chua trộn hành sống ở Warszawa và cả những bàn ăn biếc xanh nên thơ bên bờ Địa Trung Hải… 54 câu chuyện ẩm thực đa dạng sắc màu văn hóa sẽ đưa độc giả tham dự những bữa tiệc kỳ lạ vòng quanh thế giới từ Á sang Âu, Phi. Đặc biệt, lần đầu tiên có một cuốn sách giới thiệu tương đối đầy đủ về văn hóa trà thế giới: Trà Ô Long Trung Hoa, trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, trà sữa đất nung Ấn Độ, trà bạc hà Maroc, trà đen Sri Lanka, trà nhuộm màu Thái Lan, trà đạo Nhật Bản, trà bơ Tây Tạng...

Bìa cuốn "Nửa vòng trái đất uống một ly trà"

 

Nhận xét về bộ sách của Di Li, nhà thơ Văn Công Hùng cho rằng: “Di Li viết tinh tế, bài bản, sâu sắc, và hài hước nữa. Kể chuyện cứ như chơi. Cái món du ký ẩm thực ấy, nếu không hiểu biết sâu và rộng để mà liên tưởng, mà so sánh món này món kia, xứ này xứ kia, người này người kia... như kiểu vừa nêm gia vị cho hợp khẩu lại vừa trình bày món ăn cho bắt thị giác ấy, thì chỉ là tả lại món ăn theo một cách rất thô. Nhưng Di Li đã biến nó thành những bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa, để trở thành một thiên đường lộng lẫy".

Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng: “Chỉ cần qua dăm trang sách, Di Li đưa người ta từ Việt sang Nhật, từ Osaka tới Kobe, từ ngoài mưa vào trong bếp, cho người ta biết lịch sử ăn thịt của người Nhật và khoa học hóa tuổi thọ của họ, hầu thỏa mãn trí tò mò của người đọc... Cuối cùng, Di Li mới kể - tả về việc ăn thịt bằng mấy giác quan cùng với những kiến thức mờ ảo hư - thực kia, mà vẫn không quên... báo giá. Đọc về ẩm thực kiểu này còn thấy “ngon” hơn là đi ăn thật. Đúng là văn du ký của một người chuyên viết truyện trinh thám!”.

Nhà văn Di Li

 

Là một đồng nghiệp thân thiết của Di Li, nhà văn Trần Thanh Hà cũng đồng quan điểm: “Mọi người thán phục Di Li viết nhiều. Tôi thì nói rằng, tôi thán phục Di Li vì năng lực sống của cô. Làm việc, giao thiệp và giải trí. Ở lĩnh vực nào Di Li cũng hết mình. Nhiều người cũng sống ở Hà Nội. Nhưng chỗ nào có món ăn ngon, ăn theo khẩu vị nào, chỗ nào để shopping, chơi bowling, và Hà Nội có bao sàn khiêu vũ thì tôi không thấy mấy người am tường như Di Li. Lớn lên ở khu phố Đại Cồ Việt rồi hồ Thiền Quang, những năm sau này chuyển đến khu Cầu Giấy, chưa từng sống ở một nơi nào khác ngoài Hà Nội, Di Li đã say mê khám phá thành phố quê hương, như một nỗi mê đắm, để thuộc hết mọi ngõ ngách nhỏ nhất, để nhận ra từng li ti nỗi xao xuyến chuyển mùa và ẩm thực thương nhớ của thành phố nơi cô sinh ra”.  

Bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li sẽ chính thức ra mắt độc giả tại Khuôn viên nhà Đại sứ Palestine (số 7 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội) nhân Ngày Văn hóa ẩm thực Palestine. Đây là sự kiện được tổ chức để hưởng ứng Ngày thế giới đoàn kết với nhân dân Palestine 29/11. Dự buổi ra mắt sẽ có nhà văn Di Li, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT ThaiHaBooks, họa sĩ Dũng Choai - người vẽ 107 tranh minh họa cho bộ sách. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của một số đại sứ, đại biện lâm thời và trưởng đoàn ngoại giao các nước tại Việt Nam.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn