Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa giới thiệu tới độc giả 4 cuốn sách: Tiểu thuyết "Người yêu ơi", tập tản văn - bút ký "Thương nhau như người thân", tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" và tiểu thuyết "Bóng của cây sồi".
Tiểu thuyết "Người yêu ơi" được viết sau khi Đỗ Bích Thúy hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ được đưa vào sản xuất. Việc viết tiểu thuyết sau khi viết kịch bản dường như là một việc làm "ngược" so với thông lệ. Thường thì người ta viết tiểu thuyết trước rồi từ tiểu thuyết đó chuyển thể thành kịch bản. Chị cho rằng: "Viết cái gì trước, cái gì sau không quan trọng. Quan trọng là ở mỗi thể loại tôi có thể thực hiện những ý đồ khác nhau. Có những điều chỉ kịch bản làm được, có những điều chỉ văn học làm được. Đó là lý do mà đã có kịch bản điện ảnh rồi tôi vẫn muốn viết tiểu thuyết", Đỗ Bích Thúy chia sẻ. Nữ văn sĩ cũng tiết lộ, trong cuốn tiểu thuyết mới này, chị mang tới độc giả một nỗi buồn sâu thẳm nhưng không tuyệt vọng khi viết về tình yêu.
"Thương nhau như người thân" là tập tản văn, tùy bút - thể loại mà Đỗ Bích Thúy rất đắm đuối. Theo chị, tản văn, tùy bút là cái nhìn từ bên ngoài vào bên trong bản thân, là cảm xúc chân thực nhất liên quan tới bản thân tác giả. Nó biểu lộ gần như tuyệt đối, một cách trung thực và gan ruột, quan niệm của tác giả về đời sống. Nó sinh động và đầy cảm xúc, chân thực và hấp dẫn, dễ đồng cảm và mang đến sự tin cậy... Cuốn sách này gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, sau những cuộc gặp gỡ hoặc chỉ là sự cảm nhận giản dị trong trạng thái điềm tĩnh về cuộc sống. Đồng thời, in kèm cuốn sách có nhiều bức ảnh do tác giả chụp.
Hai tác phẩm tiếp theo, "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" và "Bóng của cây sồi", là sách được tái bản. Trong đó, tập "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" có truyện ngắn cùng tên được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim "Chuyện của Pao". Bộ phim đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2005. "Bóng của cây sồi" là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thúy. Bối cảnh câu chuyện được lấy từ chính ngôi làng mà tác giả sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, chứa đựng sự đắm đuối với văn hóa Tày và cả niềm nuối tiếc khi một vùng đất tuyệt đẹp dần dần biến mất vì sự xâm lấn của văn minh vật chất. So với bản in lần đầu, hai tác phẩm tái bản này được chăm chút kỹ lưỡng về hình thức bởi sự cộng tác của họa sĩ Lê Thiết Cương, một tên tuổi trong giới mỹ thuật đương đại với phong cách tối giản, tinh tế và sang trọng.
Đỗ Bích Thúy là cái tên gắn với văn học đề tài dân tộc thiểu số và miền núi suốt 20 năm qua. Trong 21 cuốn sách đã xuất bản của chị, phần lớn là về đề tài này. Là người dân tộc Kinh nhưng Đỗ Bích Thúy lại được sinh ra và lớn lên trong một bản của người Tày, cách trung tâm tỉnh Hà Giang chừng 10 cây số. "Tôi lớn lên trong cái thung lũng ấy, phía nào cũng là rừng, xanh biếc, cao vút. Đi hết thung lũng ra đến sông Lô. Bên kia sông Lô lại là núi chồng núi. Tuổi thơ của tôi nằm gọn dưới cái vòm trời ấy. Yên bình, trong trẻo, hồn nhiên, an toàn. Tôi và bạn bè cùng lứa cứ thế lớn lên thôi. Con nhà lao động nên biết làm việc từ bé. Ngày ngày đi học một buổi, một buổi giúp bố mẹ làm việc nhà, lên rừng lấy củi, chặt chuối rừng về nuôi lợn...", Đỗ Bích Thúy chia sẻ.
Tuổi thơ trong lành ấy là nguồn cảm hứng để Đỗ Bích Thúy tập tành viết văn từ thuở còn là một cô học trò. Có một điều thú vị là phải đến khi rời miền núi Hà Giang, sinh sống và lập nghiệp ở thủ đô, Đỗ Bích Thúy mới thực sự gây ấn tượng mạnh với những trang văn đậm chất núi rừng. Theo chị lý giải, đó là: "Khi đã lùi xa một vùng văn hóa, một vùng đất đã gắn bó, sẽ có một quãng nhìn lại qua không gian, qua thời gian, mang đến một cảm xúc mạnh mẽ hơn, tinh tế hơn, sâu sắc hơn và nhiều chiều hơn về vùng đất ấy".
"Hạnh phúc nhất đối với một người cầm bút là được cày xới trên thửa ruộng rất ít người đã bước qua. Chọn viết về đề tài miền núi là may mắn trời cho. Và tôi đã chọn đúng ngay từ đầu. Tôi không phiêu lưu và mất thời gian vào những đề tài khác mà có thể chẳng có thành quả", Đỗ Bích Thúy chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn