+ Giải thưởng văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Giải thưởng mang đến niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống, trong lao động sáng tạo nghệ thuật cho tôi rất nhiều. Tôi nghĩ giải thưởng nói chung, giúp tác phẩm nghệ thuật dễ dàng đến với đông đảo mọi người hơn. Có thêm bạn đọc chia sẻ, đồng cảm với tác phẩm, đó là điều ý nghĩa nhất mà người viết, người làm nghệ thuật hướng đến.
Từ trước đến nay, giải thưởng vẫn mang đến những điều tốt lành, tích cực cho tôi. Tôi luôn cảm ơn cuộc sống vì được như thế.
+ Theo chị, điều gì làm nên sức mạnh của người phụ nữ?
Tôi nghĩ, sống trong yêu thương, biết ơn, bao dung độ lượng, thấy sự lưu chuyển mạnh của nó trong đời sống, cho đi và nhận lại... điều này là cốt lõi mang lại sức mạnh cho con người. Với người phụ nữ, họ luôn sẵn đầy nó, họ sẵn sàng cho đi và họ rất nâng niu, trân trọng, gìn giữ khi được nhận lại, vì thế mà họ đầy sức mạnh.
Chẳng hạn, với thiên chức sinh nở thì tình yêu thương dành cho con cái của họ cũng khác biệt, đặc biệt lắm, lớn và sâu lắm. Tôi thấy phụ nữ rất đa năng, việc gánh gồng nhiều việc càng cho họ cái nhìn sâu, sự ngẫm nghĩ kỹ, tất cả đều tạo nguồn yêu thương, thêm lòng biết ơn và sự bao dung độ lượng nơi họ.
Đó cũng là cốt lõi mà những người phụ nữ theo con đường văn chương cần giữ để đi đường dài của mình.
+ Văn chương có vai trò như thế nào đối với bản thân chị?
Văn chương cho tôi được học tập, tu dưỡng. Tôi học hỏi, hiểu biết nhiều ở nó. Văn chương hướng thiện, hướng mỹ, từ góc độ tiếp nhận hay sáng tạo, tôi đều nhận thấy điều này và rất coi trọng. Đọc hay viết văn đều là cách để hiểu mình, hiểu cuộc sống nhiều hơn, sâu hơn.
Và nhờ văn chương mà tôi có những người bạn quý, được gặp những việc hay, người tốt, rất nhân văn và có lẽ tình tri âm, tri kỷ với tôi cũng chỉ có thể tìm thấy được nhờ văn chương.
+ Theo chị, nhà văn nữ cần những tố chất gì để có thể bền bỉ với nghề?
Trước đời sống biến hóa, cần phải khi nhanh để kịp, khi chậm để lắng nghe, khi lại biết kìm nén, chờ đợi, khéo nuôi dưỡng cảm xúc, khi phải dũng cảm đấu tranh, cân bằng...
Nghĩa là trước hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống, phải thích nghi tốt, khéo léo, phải tháo vát, điều chỉnh dần dần theo cách, theo hướng tốt nhất. Tôi nghĩ với những tính cách bản năng của phụ nữ, họ có thể rèn giũa được những ưu điểm này.
+ Nhiều người cho rằng "văn chương không phải vui chơi mà là trời đày". Đã có lúc nào chị muốn bỏ nghề viết?
Cũng có không ít lần có khó khăn này khó khăn kia nên tôi nghĩ "chắc mình phải bỏ" nhưng rồi thấy vẫn cứ dềnh dàng theo nhau mãi. Tôi cũng tự hỏi tại sao và tìm câu trả lời. Có lẽ do cuộc sống và văn chương là không tách rời.
Mối quan hệ của chúng chặt chẽ quá khiến tôi thấy yêu văn chương, yêu nghệ thuật như yêu cuộc sống. Yêu thích và gặp cản trở, nhiều lắm, đó là lẽ thường. Tôi biết nhiều người vì nhiều lý do mà phải từ bỏ đam mê, người ta đứt hẳn duyên phận hay có duyên phận để trở lại?
Người đời với bất ngờ ngã rẽ số phận, tất cả đều đã xảy ra và luôn xảy ra. Còn tôi cũng không dám chắc được điều gì, chỉ biết yêu sống, quý thương từng giọt thời gian, lắng nghe và cũng ngày càng thấm hiểu thế nào là "tùy duyên". Với văn chương thì tất cả những trải qua đều có thể thành cảm hứng, thành câu chuyện để kể, để sẻ chia.
Những trải nghiệm thuộc về đời sống con người đều có thể thành chất liệu và cảm hứng sáng tác; những khó khăn, cản trở, muốn chia tay, không bỏ được, cùng nhiều diễn biến khác... thì, văn chương, nghệ thuật cũng từ đó mà nảy nở.
Đời sống muôn màu cần cho nghệ thuật, cho văn chương và văn chương, nghệ thuật cần cho đời sống lắm. Muôn nỗi éo le trắc trở, khát vọng cao đẹp, sự lãng quên, bỏ vắng, những thương nhớ, khát thèm, mất và không thể mất, bằng phẳng thuận lợi hay sóng gió trở ngại... là đương nhiên cho một quá trình sống và tất yếu cho quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Nên vượt trở ngại với tôi thực ra cũng nhẹ nhàng. Cứ tự nhiên trải nghiệm tất cả những gì cuộc sống mang đến, trân trọng, biết ơn và tôi thấy văn chương, nghệ thuật cũng chỉ sống được khi mình đi qua những trải nghiệm rất tự nhiên như thế.
+ Nhà văn, triết gia người Ý Umberto Eco từng nói: "Dưới ánh mặt trời không có gì mới". Chị nghĩ sao về lao động sáng tạo và hành trình tìm cái mới trong văn chương?
Sống trọn với những gì mình có, yêu thương, quý trọng, biết ơn là thứ chiếm giữ tỏa sáng trong tâm hồn và luôn bồi đắp tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, con người, quê hương, gia đình ngày một lớn mạnh, sâu dày... tôi nghĩ đó là nền tảng tuyệt vời cho lao động sáng tạo.
Cứ thế vận động không ngừng, cho ta lắng nghe được dễ hơn những điều từ sâu thẳm, giúp ta tinh nhạy, dễ liên tưởng, tưởng tượng, có cái nhìn riêng, dễ có ý tưởng... Đúng là "không có gì mới", tất cả đều chỉ đi đến chỗ làm sao đó, bằng cách nào đó để yêu thương, chia sẻ và được yêu thương, chia sẻ nhiều hơn mà thôi.
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Hồ Thị Ngọc Hoài quê ở Nghệ An, từng là giáo viên dạy Văn trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Tác phẩm đã in của chị: "Đi đến đó" (tập truyện ngắn), "Lễ hội này" (tập thơ), "Dòng biên viễn" (tiểu thuyết đạt Tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn