Ngày nay, hầu hết các địa phương cấp thôn bản đều có nhà văn hóa cộng đồng. Đây là nơi để người dân hội họp, sinh hoạt tập thể của thôn bản, của các hội nhóm cư dân địa phương. Ngoài ra, nhà văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của cư dân địa phương, đóng góp vào công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ rất lớn.
Chị Hà Thị Thịnh, ở huyện Yên Bình, Yên Bái, cho biết: “Hàng tuần vào những ngày nghỉ, chị em chúng tôi đều tập trung về nhà văn hóa, vừa tập luyện vừa biểu diễn dân vũ. Ở nhà văn hóa vừa có không gian, có loa đài âm thanh, ánh sáng đầy đủ nên chị em rất phấn khởi. Từ lâu nay, nhà văn hóa đã trở thành trung tâm nâng cao đời sống tinh thần cho tất cả người dân trong thôn bản”.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ cách đây hơn chục năm, các tỉnh ở vùng Tây Bắc đã được đầu tư nguồn vốn xây dựng nhà văn hóa cấp thôn bản. Do nhận thấy sự hữu ích và ý nghĩa của các công trình nhà văn hóa nên hầu hết cư dân ở các tỉnh Tây Bắc đều chú trọng sửa sang tôn tạo, gìn giữ bảo quản công trình văn hóa, cũng như các trang thiết bị âm thanh loa đài, nhạc cụ, đạo cụ để biểu diễn văn hóa văn nghệ phục vụ chính nhu cầu của cư dân địa phương.
Ông Lý Ngọc Sáng, ở thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Xưa kia, đời sống còn khó khăn, không có nhà văn hóa cộng đồng, người dân có muốn tụ tập nhảy múa hát hò, thì chỉ tổ chức ở ngoài các khu đất rộng rãi, hoặc ở một gia đình nào đó. Nhưng sau này Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn bản, người dân cũng tham gia đóng góp công sức, từ đó thôn chúng tôi có nhà văn hóa để sinh hoạt hội họp.
Sau này phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thôn có thành lập đội văn nghệ, lấy nhà văn hóa làm cơ sở để sinh hoạt tập luyện, nên rất tiện. Dần dần Nhà văn hoá trở thành nơi sinh hoạt nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong thôn, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Kể từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, phòng trào phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thì vai trò của nhà văn hóa thôn bản càng được phát huy cao hơn nữa. Ở nhiều địa phương, nhà văn hóa còn là nơi để người dân tổ chức truyền dạy các di sản văn hóa, các ngành nghề truyền thống, trưng bày sản phẩm để quảng bá và bán hàng cho khách du lịch.
Bà Lò Thị Đi, cán bộ văn hóa xã Bản Hon, chia sẻ: “Nhà văn hóa thôn Bản Thẳm, xã Bản Hon chúng tôi không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nó còn là nơi để người dân truyền dạy, khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, dệt tơ lụa và trưng bày các sản phẩm thổ cẩm do người dân sản xuất ra, khi khách có nhu cầu mua làm quà lưu niệm thì có thể được đáp ứng nhu cầu ngay tại đây”.
Khi đời sống kinh tế của cộng đồng các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao hơn, đầy đủ hơn, thì nhu cầu đời sống tinh thần cũng được chú trọng. Lúc này, nhà văn hóa đã trở thành những điểm sinh hoạt phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của các tộc người ở mỗi địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn