Đừng bắt con phải hoàn hảo, đừng bắt con phải làm những việc lớn lao; hãy để con có một cuộc đời bình thường; mỗi con người bình thường ở đây là một thực thể riêng biệt, có xấu có tốt, có dở có hay như ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, nhưng phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình – đó là phương châm giáo dục của nhà giáo, đồng thời là một người mẹ, nhà văn Lê Minh Hà.
Với phương châm giáo dục ấy, Lê Minh Hà đã ghi lại những câu chuyện hàng ngày của người con trai nhỏ Đan Nam, tên gọi thân thương là Cục Mỡ, để từng bước chứng kiến sự trưởng thành của con, với những trải nghiệm mới mẻ, với tâm thế luôn luôn cởi mở, chấp nhận và khích lệ, được thể hiện trong cuốn sách Chuyện mẹ chuyện con.
Bằng cách dẫn chuyện dễ thương, ngôn ngữ dung dị, hóm hỉnh, người mẹ trong Chuyện mẹ chuyện con đã phác thảo lên bức chân dung đáng yêu của cậu bé Cục Mỡ, với những câu chuyện ở nhà, ở trường, hay chuyện đời sống xung quanh.
Không áp đặt con vào những nguyên tắc khô cứng, tác giả tìm hiểu về con bằng cách trò chuyện cùng con. Đó là những câu chuyện vụn vặt hàng tối, như chuyện Đan Nam giống ai, chuyện ai yêu Đan Nam nhất, mẹ với bố ai già hơn, hay có phải lúc Đan Nam có râu thì mẹ chết rồi không… Mỗi mẩu đối thoại ấy là mỗi lần mẹ bất ngờ về con. Những câu hỏi ngô nghê ấy, nhưng lại gợi mở ra thế giới tưởng tượng rộng lớn của trẻ.
Cũng có lắm khi cậu bé Cục Mỡ lên cơn "sâu sắc" nói chuyện về cuộc đời, bằng thứ tiếng Việt chưa sõi của mình. Những khoảnh khắc dễ thương ấy, có bà mẹ nào không bật cười: "Cuộc đời của Đan Nam dài hơn 7 năm rồi, sắp 8 năm rồi, chỉ còn 8 tháng NỨA là 8 năm rồi. Đan Nam còn phải sống lâu NỨA".
Luôn sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với con dù cho chủ đề câu chuyện là vấn đề gì, nên Cục Mỡ vô cùng cởi mở với mẹ. Có những khi, nói chuyện với Cục Mỡ mẹ cũng bất lực trước bao câu hỏi tại sao của cậu, nhưng khi ấy mẹ luôn tin rằng "mỗi người cứ phải từng ngày đọc, học cho mình", chưa bao giờ chị ỷ lại việc LÀ MẸ, để áp đặt suy nghĩ của mình lên con.
Bởi thế, tác giả để con tìm hiểu những gì con muốn, cùng bàn luận về chính trị, như chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ với con, hay ngay cả chuyện tình yêu cũng để con được tỏ ý kiến.
Dạy con không phải buộc con vào khuôn phép, hay khao khát trang bị cho con đủ mọi thứ để biến con thành đứa trẻ giỏi giang, hoàn hảo. Dạy con ở Chuyện mẹ, chuyện con chính là để con được lớn lên, với tâm hồn tự do, luôn tràn đây tình yêu thương.
Ấy là khi mẹ ốm, cứ động cơn ho là phải có hớp nước lạnh để dìm đi, thì có buổi sáng mẹ vừa tỉnh giấc, đã giật mình khi thấy con rón rén đứng ngay ngoài cửa: "Lúc NÁY Đan Nam tưởng mẹ dậy rồi. Đan Nam nghe tiếng mẹ ho, Đan Nam mang cho mẹ cốc nước nhưng thấy mẹ ngủ Đan Nam lại bê ra".
Niềm quan tâm dung dị ấy không phải tự nhiên mà thành, càng không phải do ép buộc mà có. Nó chính là kết quả của từng chút từng chút bồi đắp, chia sẻ cùng con của tác giả Lê Minh Hà.
Đọc cuốn sách Chuyện mẹ, chuyện con, những bậc phụ huynh sẽ có cơ hội được chia sẻ câu chuyện chân thật và nhiều cảm hứng trong việc nuôi dạy con. Theo tác giả chia sẻ: "Tôi không có khả năng cũng không dám dạy ai về cách dạy con kiểu ta hay kiểu Tây. Tôi biết rằng không thể nói trước bất kỳ điều gì về tương lai của con mình, bởi tương lai đó là do chúng chọn", nhưng chị viết cuốn sách này vì "các bậc cha mẹ và các đấng con cái của chúng ta". Chị muốn qua những câu chuyện của mình, bằng những trải nghiệm thực tế của một bà mẹ Việt dạy con trên nước Đức, mong độc giả độc giả, những người làm cha làm mẹ, hiểu rằng họ cần để cho con được "tự do học và chơi, được có những khoảng lặng để tặng lắng mình, ngẫm nghĩ và phán xét theo cách của chúng về đời sống".
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1983 và có 10 năm làm giáo viên dạy văn tại các trường THPT Đan Phượng, Hà Nội - Amsterdam. Từ năm 1994, chị sống và làm việc tại Berlin, Đức. Trước Chuyện mẹ, chuyện con, nhà văn Lê Minh Hà đã phát hành nhiều tác phẩm như Phố vẫn gió, Còn nhớ nhau không, Những cuộc gặp gỡ không ngờ, Thương thế ngày xưa, Tháng ngày ê a…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn