Nhà văn Lưu Vĩ Lân: "Giải thưởng là sự thừa nhận, giúp tôi thấy ấm áp hơn"

16:06 | 19/11/2024;
Trước khi trở thành nhà văn, Lưu Vĩ Lân là một tên tuổi có tiếng trong làng báo. Đến muộn với văn chương nhưng anh khiến nhiều người nể phục về sức viết và chất lượng sáng tác của mình. Anh đã ra mắt bộ 3 tiểu thuyết "Nghiệp chướng", "Mật đạo", "Ngẫu tượng" và là tác giả của "Ẩn tàng", "Quỹ chủ".

- Chúc mừng nhà văn Lưu Vĩ Lân vừa đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ 3. Đối với anh, Giải thưởng văn học nghệ thuật có quan trọng không?

Quan trọng chứ. Tôi nghĩ đó là một sự thừa nhận. Tôi nghĩ điều đó quan trọng đối với người viết văn bởi dù khi viết, mỗi người viết văn sẽ tự viết vì những thôi thúc bên trong mình nhưng giải thưởng lại là một sự thừa nhận và nó giúp nhà văn cảm thấy ấm áp hơn. 

Tôi không nghĩ là tôi quá giỏi. Cá nhân tôi nghĩ mình may mắn khi có được nhiều giải thưởng.

- Nếu anh cho là may mắn, có lẽ chỉ một, hai lần đạt giải thưởng thôi chứ?

Đúng vậy. Có thể trong văn của tôi có cái nhìn hơi mới mẻ, không sáo mòn. Có lẽ là như vậy. Và dù như vậy, tôi vẫn nghĩ là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

- Đọc truyện của Lưu Vĩ Lân, cả độc giả lẫn giới chuyên môn đều đánh giá cao trí tưởng tượng trong tác phẩm của anh. Anh có đánh giá cao về sự tưởng tượng trên trang viết?

Tôi cho rằng tưởng tượng là điều quan trọng nhất đối với nhà văn. Trong tham luận vừa trình bày tại Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần thứ V, tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ về sự quan trọng của trí tưởng tượng với người viết. 

Đối với tôi, tưởng tượng luôn ở vị trí số 1, điều này không chỉ trên trang viết. Tôi nghĩ khả năng tưởng tượng không phải là một kỹ năng mà là thiên bẩm. Điều này không thể học được. Hoặc có thể nói đó là một sứ mệnh mà nếu một người sinh ra để làm việc nào đó cần có trí tưởng tượng thì họ sẽ được cấy vào trong mình sự tưởng tượng. 

Tôi không nghĩ có thể tập được sự tưởng tượng, hoặc nếu có thể thì cũng chỉ ở một mức nào đó mà thôi. Từ nhỏ, khi nhìn một sự vật, tôi có thể tưởng tượng được nó có thể khác đi hay không. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao nó không như thế này mà lại như thế kia? 

Và quan trọng nhất là anh phải chìm vào một trạng thái gần như là thiền định vậy. Khi anh có thể chìm vào không gian đó, thì có thể cảm nhận được xung quanh mình vạn vật chuyển động. 

Ví dụ như anh nên có một khoảnh khắc nhìn sững vào một phiến đá hay một dòng suối, cảm thấy mình biến mất. Thực ra không phải mình biến mất mà là hòa vào khung cảnh ấy và mình sẽ hấp thụ được đời sống của thiên nhiên, cây lá, hoa cỏ… 

Nhà văn Lưu Vĩ Lân: "Giải thưởng là sự thừa nhận, giúp tôi thấy ấm áp hơn"- Ảnh 1.

Nhà văn Lưu Vĩ Lân đã ra mắt bộ 3 tiểu thuyết "Nghiệp chướng", "Mật đạo", "Ngẫu tượng" và là tác giả của "Ẩn tàng", "Quỹ chủ".

Thành ra tôi nghĩ đó là một thiên bẩm. Thứ hai, tôi nghĩ, hãy dành cho mình một sự trống rỗng trong lòng để sự tưởng tượng phát triển. Nếu trong đầu chỉ toàn những tính toán thì sẽ không thể nào còn chỗ để tưởng tượng. 

Chính vì thế, bên cạnh thiên bẩm luôn cần có một nếp sống phù hợp để tưởng tượng bay bổng. Nếp sống có thể làm ta tĩnh tại, để có thể ngồi một mình, nhìn trái dừa, ngắm màu xanh của nó, có thể tưởng tượng ra một ngọn núi. Thứ ba là đòi hỏi một nền tảng kiến thức thật lớn. 

Muốn suy nghĩ cần phải có kiến thức, đó là điều đương nhiên. Nền tảng kiến thức ấy không chỉ nằm ở kiến thức thông thường, khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa mà rất cần có triết học. 

Trong tôn giáo còn gọi là thần học hay thiền học. Những kiến thức đó mới có thể giúp chúng ta nhìn vượt không gian này.

- Bên cạnh sự tưởng tượng, chúng ta hay nói tới sự trải nghiệm với nhà văn. Anh nghĩ trải nghiệm có tầm quan trọng như thế nào?

Đương nhiên rồi, mọi thứ không tự nhiên mà sinh ra. Tôi nghĩ, để có một tác phẩm lớn hay để đi dài hơi, thực sự cần có một đời sống phong phú, cần có sự trải nghiệm thì mới đạt được.

Nếu chỉ dựa vào những bản năng tự sinh ra thì rất khó. Cá nhân tôi, không có trải nghiệm như những gì tôi đã sống thì khó có thể viết như trong Mật đạo, Ngẫu tượng, Nghiệp chướng. Tôi vẫn cho rằng tác phẩm văn học tồn tại được chỉ khi nó có một tầm tư tưởng hay tầm Triết học trong đó. 

Nếu chỉ viết để kể ra một câu chuyện với những cảm xúc cá nhân, tình cảm yêu đương thì đó chỉ là kể một câu chuyện chứ không thể có một tác phẩm. Đọc một tác phẩm, người đọc đòi hỏi cần phải có tư tưởng của nó, giá trị triết học của nó. Và chỉ những tác phẩm chạm tới điều đó mới giúp nâng tầm tác phẩm của mình.

Quan trọng nữa là người viết cần phải công bằng với lịch sử. Tôi nghĩ có rất nhiều sự thật tồn tại. Sự thật của tôi khác với sự thật của anh, khác với sự thật của người khác. 

Khi nhìn một hiện tượng lịch sử, anh không thể nhìn theo cách của "thầy bói xem voi", không thể nhìn một góc của lịch sử hay một góc của sự thật mà phải chấp nhận có nhiều sự thật tồn tại. 

Vì thế cần phải hết sức công bằng với lịch sử và tôi cho rằng mình có ưu điểm khi viết rất công bằng với lịch sử.

- Xin cảm ơn anh!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn